Cùng có thiên chức "trồng người", trong khi các thầy cô giáo ở TPHCM nhận được khoản thu nhập tăng thêm hàng chục triệu đồng từ cơ chế đặc thù, khoán chi và kết dư ngân sách thì bạn tôi và nhiều đồng nghiệp đang ngày đêm bám bản, bám làng ở miền biên viễn suốt bao năm qua không có khoản tiền dôi dư mà nhiều giáo viên miền xuôi vẫn quen gọi là thưởng Tết. Không cần nói đâu cho xa, tại TPHCM, sự chênh ấy tồn tại ngay trong ngành y tế, trong các cơ sở y tế công lập. Có những bệnh viện thưởng bình quân mỗi người gần trăm triệu đồng thì vẫn còn không ít y, bác sĩ, nhân viên y tế chỉ nhận được vài trăm nghìn đồng, thậm chí nhiều nơi chưa có nguồn để trích thưởng.
Bàn về câu chuyện đắng lòng này, có ý kiến cho rằng mức thưởng cao hay thấp là thuận theo quy luật giá trị. Nơi nào làm nhiều, thu nhiều và chi khéo thì được thưởng nhiều. Và, những ai đã chọn nghề giáo, nghề y, đã xác định tâm thế làm việc vì thiên chức cao quý thì không lăn tăn về những lợi ích vật chất.
Nói như thế không sai song dường như vẫn chưa nhìn nhận và đánh giá một cách thấu đáo bản chất của vấn đề thưởng Tết.
Có thể nói, so với những đồng nghiệp công tác ở miền xuôi, đời sống của các kỹ sư tâm hồn ở miền ngược, thực hiện sứ mệnh "cõng chữ lên non" khó khăn, gian khổ gấp bội phần. Các thầy cô giáo sẵn sàng băng rừng, trèo đèo, lội suối đến từng nhà vận động, thuyết phục đồng bào cho con đến lớp nhưng thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống nói gì đến thưởng Tết. Họ có tủi thân mỗi khi xuân về bởi phía sau còn cả một gia đình, cũng có nhu cầu sắm sửa Tết như bao gia đình khác?
Tuy không thể sánh với đầu tàu kinh tế cả nước về thu và đóng góp cho ngân sách hàng năm song các tỉnh vùng cao, vùng xa, đặc biệt là khu vực biên giới có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh - quốc phòng. Phên giậu Tổ quốc vững chắc, an toàn thì các đầu tàu mới ổn định và phát triển, từ đó tạo ra nguồn lực dồi dào để chăm lo cho các thầy cô giáo, nhân viên y tế và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn bằng chính sách thu nhập tăng thêm.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, các tỉnh vùng cao còn bộn bề khó khăn nói chung và đội ngũ giáo viên ở những địa phương ấy rất cần được thấu hiểu, chia sẻ nhiều hơn. Chỉ có chính sách đặc thù về chăm lo, hỗ trợ để đời sống của giáo viên, nhân viên y tế vùng cao bớt khó khăn thì mới có thể tiếp tục giữ chân họ ở những nơi khó khăn nhất.