Nâng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày: Tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tới Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ 15/8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Luật), chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới.
Nâng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày: Tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tới Việt Nam ảnh 1

Người dân làm hộ chiếu tại Hà Nội.

Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch

Khi có hiệu lực, Luật góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài… vào Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Cụ thể, Luật nâng thời hạn của thị thực điện tử lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần và quy định tính thời hạn thị thực theo ngày đối với các loại thị thực có thời hạn dưới 1 năm để đảm bảo thống nhất.

Như vậy, so với trước đây, thị thực điện tử thời hạn là 30 ngày và có giá trị một lần, thì nay được nâng lên 90 ngày sẽ có lợi cho khách du lịch nước ngoài, chuyên gia, nhà đầu tư tới Việt Nam thăm quan, nghỉ dưỡng, làm việc, tìm kiếm thị trường kinh doanh… và các công ty lữ hành tổ chức các tour du lịch dài ngày trong nước.

Luật cũng nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.

Việc nâng thời hạn tạm trú đạt mức trung bình trong khu vực, nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút du khách nước ngoài ở các thị trường xa như Châu Âu đến Việt Nam nghỉ dưỡng dài ngày, giúp họ chủ động được thời gian, lịch trình thăm quan, vui chơi…

Sau 12 tháng không nhận hộ chiếu sẽ bị hủy

Điểm mới của Luật là bỏ quy định thời hạn còn lại của hộ chiếu từ 6 tháng trở lên mới đủ điều kiện xuất cảnh; bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh; quy định hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông… tạo điều kiện cho công dân khi xuất cảnh.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất hoặc đối với trường hợp đã quá 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu mà công dân không nhận hộ chiếu và không có thông báo bằng văn bản về lý do chưa nhận.

Trường hợp bị mất hộ chiếu phổ thông, trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện bị mất, người bị mất hộ chiếu trực tiếp nộp hoặc gửi đơn báo mất theo mẫu cho cơ quan có thẩm quyền hoặc tại cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Về trách nhiệm, Luật quy định người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.

Các cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý người nước ngoài tạm trú. Việc khai báo tạm trú có thể thực hiện qua Trang thông tin điện tử hoặc Phiếu khai báo tạm trú.

Bộ Công an công bố số liệu sơ bộ về tình hình xuất nhập cảnh tháng 7/2023 (từ ngày 15/6/2023 đến ngày 14/7/2023) toàn quốc có 1.067.489 lượt người nước ngoài đến Việt Nam; 856.399 lượt người Việt Nam ra nước ngoài. So với tháng 6/2023, tăng 44.099 lượt người nước ngoài đến Việt Nam; tăng 25.066 lượt người Việt Nam ra nước ngoài.

MỚI - NÓNG