Cục Quản lý xuất, nhập cảnh thông tin về chính sách cấp thị thực hiện nay

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thời gian qua có một số thông tin phản ánh cho rằng, việc giải quyết cho người nước ngoài nhập cảnh thời điểm trước khi diễn ra đại dịch COVID -19 có phần thông thoáng hơn giai đoạn hiện nay. Cục Quản lý xuất nhập cảnh khẳng định, thông tin trên là thiếu khách quan, không chính xác.

Theo Cục Quản lý xuất, nhập cảnh, số lượng người nước ngoài (NNN) đến Việt Nam trong thời gian qua tăng, nhưng vẫn thấp hơn so với thời điểm trước dịch, do nhiều nguyên nhân khách quan từ hậu quả của đại dịch COVID-19.

Về phía Cục Quản lý xuất, nhập cảnh vẫn đang thực hiện đồng bộ, triệt để chính sách cấp thị thực cho NNN nhập cảnh Việt Nam dưới nhiều hình thức, đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn tạo được sự thông thoáng, cởi mở nhằm thu hút NNN vào du lịch và đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiếp tục tăng cường công tác xét duyệt nhân sự; kiểm tra, rà soát, nắm tình hình, đẩy mạnh công tác quản lý cư trú đối với NNN nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng việc khôi phục các chính sách về nhập cảnh của Việt Nam để hoạt động vi phạm pháp luật.

Cục Quản lý xuất, nhập cảnh thông tin về chính sách cấp thị thực hiện nay ảnh 1

Cục Quản lý xuất, nhập cảnh vẫn đang thực hiện đồng bộ, triệt để chính sách cấp thị thực cho NNN nhập cảnh Việt Nam.

Hơn nữa sau khi Luật số 51/2014/QH14 được thông qua, Cục Quản lý xuất, nhập cảnh đã tuyên truyền phổ biến các quy định mới, do thời điểm Luật có hiệu lực đúng vào dịp đại dịch COVID - 19, việc giải quyết nhập xuất cảnh cho NNN thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, do đó thực tế có nhiều quy định liên quan đến việc nhập cảnh của NNN tại Luật số 51 chỉ mới thực sự triển khai từ 15/3/2022, với những nguyên nhân đó nên có ý kiến cho rằng việc cấp thị thực cho NNN khó khăn hơn so với giai đoạn trước dịch.

"Có thể khẳng định lại, so với nhiều quốc gia trên thế giới, chính sách thị thực của Việt Nam đơn giản và nhanh gọn, với hình thức đa dạng theo nhu cầu của NNN khi nhập cảnh Việt Nam. Trong thời gian tới, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an với chức năng nhiệm vụ được giao Cục Quản lý xuất, nhập cảnh vẫn tiếp tục thực hiện chính sách thị thực theo quy định của pháp luật về Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam; chủ trì tham mưu Bộ Công an nghiên cứu, mở rộng danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử"- Cục Quản lý xuất, nhập cảnh Bộ Công an thông tin.

Theo Cục Quản lý xuất, nhập cảnh, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi, bổ sung (Luật số 51/2014/QH14) quy định nhiều điểm mới về xuất nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đáng lưu ý, chính sách cấp thị thực cho người nước ngoài được quy định đơn giản, thông thoáng hơn theo hướng thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đây có thể coi là giải pháp quan trọng tạo đột phá cho du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước.

Việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài đã được thực hiện thí điểm từ 1/7/2017 và được quy định tại Luật số 51/2014/QH14. Thị thực điện tử có thời hạn 30 ngày, so với thủ tục cấp thị thực truyền thống, thủ tục cấp thị thực điện tử được đơn giản hóa hơn, thuận tiện hơn cho NNN, thời gian giải quyết nhanh chóng (theo quy định là 3 ngày làm việc); NNN thực hiện hoàn toàn qua Trang thông tin cấp thị thực điện tử, không phải thông qua cơ quan, tổ chức mời bảo lãnh.

Đây là thủ tục hành chính được thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, đảm bảo các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính với phương châm “Công khai, minh bạch, tiện lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian”.

Ngoài ra, ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32 quy định công dân 13 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam với thời hạn 15 ngày, không phân biệt mục đích, không yêu cầu khi nhập cảnh trở lại phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho du khách quốc tế nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó xuất cảnh sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch hoặc về nước.

Theo đó, người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế để làm thủ tục mời, bảo lãnh cấp thị thực. Thời gian giải quyết nhanh chóng, không quá 3 ngày làm việc nếu đề nghị nhận thị thực tại cửa khẩu quốc tế; không quá 5 ngày làm việc nếu nhận thị thực tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực, cụ thể: Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con với người đề nghị; được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc hoặc nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Các trường hợp chính đáng như, người nước ngoài nhập cảnh do cơ quan, tổ chức mời bảo lãnh để vào làm việc, sau đó được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép lao động,... thì không phải xuất cảnh, mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo lãnh có thể làm thủ tục xin cấp thị thực mới theo đúng mục đích nhập cảnh.

Đối với nhà đầu tư có vốn góp giá trị 3 tỷ đồng chỉ được cấp thị thực có thời hạn không quá 1 năm, nhà đầu tư có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên được cấp thẻ tạm trú đến 10 năm.

MỚI - NÓNG