Nhìn lại ngành ngân hàng năm 2014, nhiều chuyên gia đánh giá, năm qua doanh nghiệp khó khăn nên ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Điều đó được chứng minh qua các con số lợi nhuận một số ngân hàng giảm khá nhiều so với năm 2013. “Doanh thu ngân hàng giảm do đầu ra gặp khó, tăng trưởng tín dụng thấp, lãi biên giảm (chênh lệch đầu vào - ra)… Tất cả những yếu tố đó đã dẫn đến lợi nhuận ngân hàng năm 2014 giảm hơn năm 2013”, một chuyên gia nói. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có những ngân hàng vượt qua khó khăn chung với hướng đi riêng, cách làm mới.
Như với VPBank, rất nhiều chỉ số kinh doanh tăng mạnh so với năm 2013. Ngân hàng này cho biết, tính hết 31/12/2014, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt 163.241 tỷ đồng (tăng 41.977 tỷ đồng, tương ứng tăng 34,6% so với năm 2013), qua đó duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong 3 năm trở lại đây. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản bình quân (ROA) và lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) lần lượt là 0,88% và 15%.
Tổng chi phí dự phòng trong năm 2014 của VPBank là 979 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay khách hàng nhóm 3, 4, 5 chiếm 2,54% tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này. Ở mảng huy động tiền gửi, con số VPBank đã huy động tăng 29% và lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ đồng (đạt 108.354 tỷ đồng, tăng ròng 24.510 tỷ so với năm 2013).
Năm qua, mảng vàng, ngoại tệ không còn là “con gà đẻ trứng vàng” cho các ngân hàng, khi thị trường khá yên ả. Do vậy, để có được những con số ấn tượng trên, VPBank đã có hướng đi riêng. Theo đó, ngân hàng này tiếp tục lựa chọn hai phân khúc trọng tâm là: Khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hai phân khúc này đã có sự tăng trưởng ấn tượng về quy mô huy động vốn và cho vay trong năm 2014, tạo tiền đề cho các mảng khác của VPBank đạt kết quả tốt về doanh thu và lợi nhuận.
Ngoài ra, kết quả trên còn ghi nhận thành công trong xây dựng, chuyển đổi hàng loạt hệ thống nền tảng mà VPBank đã khởi động từ cuối năm 2012, như: Quản trị rủi ro, phê duyệt tín dụng, thu hồi nợ, mô hình bán hàng và dịch vụ chuyên môn hóa, mô hình vận hành tập trung… Những nền tảng này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho sự tăng trưởng của VPBank trong các năm tiếp theo.
Ghi nhận những thành công của VPBank trong năm 2014, các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đã trao 6 giải thưởng dành cho VPBank, dựa trên đánh giá về hệ thống quản trị, cạnh tranh, phát triển bền vững, mức độ an toàn và tỷ lệ khách hàng trung thành. Được biết, năm 2014, VPBank là 1 trong 14 doanh nghiệp trên toàn quốc lần thứ hai liên tiếp được Bộ Công Thương công nhận là “Thương hiệu Quốc gia”, và là 1 trong 6 ngân hàng hàng đầu được vinh danh lần này. Ngoài ra, VPBank cũng xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng VNR500 - TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2014 (do Vietnam Report công bố).
Mặc dù môi trường kinh tế vĩ mô năm 2015 dự kiến còn nhiều biến động phức tạp, do tác động từ các bất ổn chính trị - kinh tế toàn cầu, và các yếu tố nội tại của kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là yêu cầu cao hơn từ cơ quan quản lý với các chuẩn mực quản trị ngân hàng. Nhưng VPBank tin tưởng, với hệ thống nền tảng được củng cố vững chắc, mô hình bán hàng và dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp, ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững để hiện thực hóa mục tiêu trở thành 1 trong 5 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam vào năm 2017.
Đặc biệt, tháng 9/2014, Moody’s Investors Service đã nâng mức triển vọng của VPBank từ “ổn định” lên “tích cực”.
Năm 2014, VPBank đã đạt 6 giải thưởng gồm: “Ngân hàng Thương mại tốt nhất Việt Nam 2014” do Tạp chí International Finance Magazine (IFM) của Anh trao tặng; “Sản phẩm Ngân hàng tốt nhất Việt Nam 2014” và “Ngân hàng tài trợ thương mại tốt nhất” do Tổ chức Global Banking & Finance Review (GBAF) của Anh trao; “Ngân hàng có chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc” lần thứ 8 liên tiếp do Ngân hàng The Bank of New York Mellon (BNYM) trao tặng; “Ngân hàng thanh toán quốc tế đạt chuẩn” lần thứ 2 liên tiếp do Citibank trao tặng.