Tính đến nay, Mỹ đã có 4 hệ thống phòng thủ tên lửa ưu việt được triển khai ở khắp nơi trên thế giới. Những hệ thống này có ý nghĩa quan trọng giúp bảo vệ nước Mỹ khỏi đòn tấn công hạt nhân của đối phương. Tuy nhiên, cũng có nhiều hoài nghi về năng lực thực sự của các hệ thống lá chắn này.
1. Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đọan cuối (THAAD)
THAAD là một hệ thống phòng thủ do tập đoàn Lockheed Martin thiết kế, có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo mục tiêu tầm ngắn hoặc trung trong giai đoạn chuẩn bị lao xuống mặt đất. Khác với tên lửa phòng vệ thông thường,
THAAD được thiết kế để tìm chính xác mục tiêu và gây nổ sớm hoặc làm lệch hướng mối đe dọa. Theo Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin, THAAD giống như cú đấm bằng viên đạn: “Tên lửa dựa vào công nghệ định vị hồng ngoại để truy tìm, tấn công mục tiêu và hoàn toàn phá hủy nó”, đại diện Lockheed cho biết.
Mỗi hệ thống THAAD sẽ có 5 thành phần chính gồm: Hệ thống đánh chặn, bệ phóng, radar, bộ phận điều khiển hỏa lực và thiết bị hỗ trợ.
Cơ chế hoạt động của THAAD, đầu tiên, radar sẽ là thiết bị đầu tiên phát hiện ra một tên lửa đang phóng tới. Sau đó tới lượt những người giám sát hệ thống sẽ xác định các mối đe dọa từ tên lửa đó.
Nếu mối đe dọa này hiện hữu đủ nguy hiểm để họ đáp trả thì lúc đó một bệ phóng gắn trên một chiếc xe tải quân sự chuyên dụng sẽ bắn ra một viên đạn mà Lockheed Martin gọi là "đánh chặn", nhắm vào tên lửa đạn đạo với hy vọng sẽ phá hủy nó ngay trên không nhờ sử dụng năng lượng động học, chỉ dựa vào tốc độ lý tưởng của nó.
Hiện tại, Mỹ đã triển khai hệ thống THAAD trên đảo Guam và Hawaii, và tổ hợp THAAD ở United Arab Emirates, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.
2. Hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (GMD)
Hệ thống GMD được Mỹ phát triển từ năm 1997 nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm xa.
GMD đóng vai trò chính trong chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ, chuyên đánh chặn tên lửa ICBM mang đầu đạn hạt nhân, hóa học, sinh học và thông thường khi chúng đang trong không gian.
Cấu trúc của GMD bao gồm hệ thống đánh chặn phóng từ mặt đất (GBI), các thiết bị hỗ trợ dưới mặt đất và tổ hợp điều khiển hỏa lực.
GBI là tên lửa đẩy nhiên liệu rắn nhiều tầng được trang bị đầu đạn đánh chặn ngoài khí quyển (EKV). Sau khi phóng, tên lửa đẩy sẽ đưa EKV tiếp cận đầu đạn của tên lửa đạn đạo đối phương đang bay tới.
Ở giai đoạn này, EKV tách khỏi tên lửa đẩy, sử dụng dữ liệu từ cảm biến tích hợp và hệ thống dẫn bắn mặt đất để xác định mục tiêu rồi lao thẳng vào đầu đạn ICBM đối phương theo cơ chế va chạm để tiêu diệt. Động năng từ vụ va chạm sẽ phá hủy đầu đạn ICBM đối phương ngoài khí quyển Trái Đất.
Tổ hợp điều khiển hỏa lực và hỗ trợ bao gồm các trạm chỉ huy, cơ sở hạ tầng hỗ trợ phóng đạn và mạng lưới thông tin liên lạc. Trung tâm điều khiển hỏa lực (GFC) nhận dữ liệu từ vệ tinh và radar mặt đất, sau đó chuyển tham số mục tiêu cho GBI, dẫn đường cho đầu đạn đánh chặn. GFC cũng có thể tăng cường khả năng nhận định tình hình nhờ yếu tố chỉ huy, kiểm soát chiến đấu và liên lạc.
Lá chắn GMD của Mỹ hiện sở hữu 36 tên lửa đánh chặn, trong đó 32 quả đặt ở căn cứ Greely, Alaska, 4 quả còn lại bảo vệ căn cứ không quân Vandenberg, California. Lầu Năm Góc dự kiến tăng số lượng tổ hợp đánh chặn của GMD lên 44 vào cuối năm nay.
Các cuộc thử nghiệm của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cũng đem lại các kết quả gây nhiều tranh cãi. Hệ thống GMD có tỷ lệ thành công trong các cuộc thử nghiệm chỉ là hơn 55%.
3. Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (ACS)
Hệ thống ACS do Hải quân Mỹ triển khai, được mệnh danh là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là "trái tim" của hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia mà Mỹ đang xây dựng. ACS là sự kết hợp các thiết bị phức tạp khác nhằm để tạo ra hệ thống chiến đấu toàn diện.
Hệ thống ACS là hệ thống vũ khí hải quân được triển khai di động trên biển, do Cơ quan Radar mặt đất và tên lửa của Mỹ phát triển và hiện Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất.
ACS được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa bằng tên lửa đánh chặn SM-3 và đánh chặn tên lửa tầm ngắn bằng tên lửa đánh chặn SM-2.
Thế hệ tên lửa SM-3 được thiết kế dựa trên phiên bản SM-2, có tầm bắn khoảng 500 km với độ cao khoảng 160 km, sử dụng các radar, hệ thống máy tính hiện đại cùng với hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để điều chỉnh và định hướng tiếp cận mục tiêu.
Hiện tại, Hải quân Mỹ có 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga, 62 tàu khu trục lớp Arleigh Burke được trang bị hệ thống Aegis. Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, được triển khai rộng rãi trên các tàu hải quân Mỹ và trên mặt đất, có tỷ lệ thành công là 83%.
4. Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot (PAC)
PAC là hệ thống tên lửa đạn đạo đất đối không tầm xa, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM - 23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ).
Hệ thống PAC sử dụng một hệ thống tên lửa đánh chặn và radar hiệu suất cao trên không tiên tiến. PAC có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và độ cao để chống lại các tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình và các loại máy bay tiên tiến khác.
Patriot sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực tích hợp AN/MPQ-53/65. Đây là một radar quét mạng pha điện tử bị động. Mảng ăngten của radar có thể phát đi 5.000 chùm tia/giây, ngoài ra còn có hệ thống nhận dạng “bạn -thù” IFF cùng một hệ thống phụ để giảm sự ảnh hưởng của các biện pháp gây nhiễu đến hoạt động của radar.
Tầm bắn của Patriot nằm trong khoảng từ 70-160km, trần bắn cao nhất lên tới 24km và có thể hạ gục các mục tiêu di chuyển với tốc độ gần 6.200km/h.
Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa dẫn đường khác nhau như Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3. Các tên lửa này được phóng đi và thu thập thông tin của mục tiêu gửi về trạm radar mặt đất.
Các chuyên gia nhận định, mặc dù đã chi hàng trăm tỷ USD cho các hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp, Mỹ có thể không khống chế hoàn toàn một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ Bình Nhưỡng.
Michael Elleman, thành viên Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng Mỹ, nhận định, ngay cả khi các cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đạt độ chính xác 100%, thì vẫn chưa có gì đảm bảo nước Mỹ có thể tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công của đối phương.