Thực hư Triều Tiên phóng thành công tên lửa xuyên lục địa

Ảnh: Choson
Ảnh: Choson
TPO - Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 lần đầu tiên sau 2 năm phát triển và nghiên cứu. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều đánh giá khác nhau xung quanh liệu loại tên lửa mà Triều Tiên vừa thử nghiệm thành công có phải là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay không.

Các tuyên bố trái chiều về loại tên lửa Hwasong-14

Triều Tiên khẳng định thử thành công tên lửa ICBM, Mỹ và Hàn Quốc xác nhận tên lửa đạn đạo Hwasong-14 của Triều Tiên là tên lửa ICBM, trong khi Nga lại phủ nhận thông tin này và Trung Quốc không đưa ra đánh giá.

Triều Tiên khẳng định thử thành công tên lửa ICBM. Truyền hình nhà nước Triều Tiên phát đi thông điệp tuyên bố: “Kim Jong-un, các nhà khoa học và kỹ sư tên lửa đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14. Tên lửa bay 39 phút và rơi chính xác xuống mục tiêu giả định trên biển”.

“Đây là loại tên lửa ICBM hiện đại nhất trong kho vũ khí của Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp thị sát và ra lệnh gửi thông điệp phóng tên lửa thành công đến người dân trên khắp thế giới. Đây là bước tiến nhảy vọt trong công nghệ ICBM Triều Tiên”.

Mỹ-Hàn xác nhận Hwasong-14 là tên lửa ICBM. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 4/7 xác nhận Triều Tiên vừa phóng thử một tên lửa ICBM lần đầu tiên.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Tillerson nói: "Mỹ kịch liệt lên án việc Triều Tiên phóng một ICBM. Vụ thử nghiệm một ICBM là một sự leo thang mới của mối đe dọa đối với Mỹ, với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, với khu vực và thế giới". Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm rằng Mỹ "sẽ không bao giờ chấp nhận một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân". 

Bộ Trưởng Quốc phòng Han Min-koo trong cuộc họp Quốc hội xác nhận tên lửa mà Triều Tiên vừa thử thành công là ICBM. Đồng thời, cho biết thêm, tên lửa ICBM mới của Triều Tiên có thể là phiên bản nâng cấp của tên lửa KN-17 hoặc Hwasong-12, với tầm bắn ở khoảng 7.000 – 8.000 km, nhưng không tìm thấy bằng chứng xác thực để chứng minh khả năng trở lại bầu khí quyển.

Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Nga lại cho rằng, tên lửa Hwasong-14 là tên lửa đạn đạo tầm trung, không phải ICBM. “Các dữ liệu thông số về quỹ đạo của mục tiêu đạn đạo trùng khớp với đặc tính hoạt động của một tên lửa đạn đạo tầm trung”.

Trong khi đó, Trung Quốc không đưa ra đánh giá về chủng loại tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng thành công. Phát biểu tại buổi họp báo ngày 4/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biế: "Trung Quốc yêu cầu Triều Tiên không tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo, không có các hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an, tạo mọi điều kiện cần thiết để khởi động lại đàm phán".

Thế nào là một tên lửa ICBM

Theo những thông tin được đăng trên trang web: wikipedia (bách khoa toàn thư mở), Tên lửa ICBM là tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa (hơn 5.500 km), được chế tạo để mang nhiều đầu đạn hạt nhân một lúc. Do khả năng bắn xa và năng lực chứa nhiều đầu đạn hạt nhân, tên lửa ICBM thường được đặt trên tàu ngầm và căn cứ mặt đất.

Một tên lửa được coi là tên lửa ICBM về cơ bản cơ chế hoạt động của nó gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn tăng tốc: Tên lửa sẽ được phóng lên theo chiều thẳng đứng để lấy độ cao. Tầm bắn càng xa thì độ cao càng lớn, tốc độ của tên lửa càng cao. Từ 3 đến 5 phút sau khi rời bệ phóng (tên lửa dùng nhiên liệu rắn kết thúc giai đoạn này sớm hơn loại dùng nhiên liệu lỏng), tầm cao đạt được cuối giai đoạn này là 150 đến 400 km tùy thuộc vào quỹ đạo được lựa chọn, tốc độ đạt được khoảng 7 km/giây. Sau khi thoát ra khỏi bầu khí quyển đậm đặc của Trái đất, tên lửa đẩy sẽ bắt đầu giai đoạn thứ hai.

Giai đoạn giữa: Bay khoảng 25 phút bay theo quỹ đạo đường elip trên tầng khí quyển của Trái Đất, độ cao lớn nhất đạt được lên đến 1200 km.  Sau khi đạt độ cao tối đa, đầu đạn sẽ được tách ra khỏi các phần còn lại của tên lửa đẩy rồi mất dần độ cao và rơi trở lại Trái đất dưới tác dụng của trọng lực.

Giai đoạn trở lại tầng khí quyển: Bắt đầu khi khoảng cách với bề mặt Trái Đất khoảng 100 km, kéo dài khoảng 2 phút, tiếp cận mục tiêu với tốc độ 4 km/giây. Đầu đạn sẽ lao xuống mục tiêu theo phương thẳng đứng. Để tăng hiệu quả tấn công và sức hủy diệt, thông thường một tên lửa đạn đạo sẽ mang theo rất nhiều đầu đạn để khiến hệ thống phòng thủ của đối phương không kịp trở tay.

Thông số kỹ thuật của Hwasong-14 và những đánh giá khác nhau

Theo các chuyên gia quân sự Hwasong-14, là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, dài 16,9 - 17,4m, đường kính 1,8 – 2,0m. Tên lửa này có tầm bắn tối đa khoảng 10.000km và mang theo đầu đạn thông thường nặng 700kg hoặc đầu đạn hạt nhân.

Hwasong-14 được phát triển từ mẫu tên lửa đạn đạo KN-08 thất bại của Triều Tiên. Bình Nhưỡng được cho là đã hai lần phóng thử KN-08 vào năm 2016 nhưng đều không thành công. Phía Mỹ chỉ coi hai vụ phóng này là tên lửa đạn đạo tầm trung.

So với KN-08, tên lửa KN-14 chỉ sử dụng 2 tầng nhiên liệu, kích thước lớn hơn nhưng tổng trọng lượng lại nhẹ hơn nhiều nhờ vào cấu trúc và vật liệu hiện đại.

Tên lửa Hwasong-14 trông khá giống với mẫu tên lửa R-29 của Nga. Các tên lửa đạn đạo R-29 Nga có thể mang đầu đạn hạt nhân từ 200-500 kt, gấp 25 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Nagasaki, Nhật Bản trong Thế chiến 2.

Theo các chuyên gia, Hwasong-14 chính là loại ICBM xuất hiện trong lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng hồi tháng 4/2017 nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Với tầm bắn 10.000km, Hwasong-14 đích thực là tên lửa ICBM. Như vậy, là nó có thể đánh trúng nhiều thành phố lớn ở Mỹ như Chicago, California, Los Angeles nhưng chưa thể tấn công thủ đô Washington, Mỹ.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia quân sự, tên lửa Hwasong-14 nhiều khả năng vẫn chưa thể được trang bị đầu đạn hạt nhân vì Triều Tiên chưa làm chủ công nghệ này.

Theo đánh giá của Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney, Australia nhận định, một vụ phóng thử thành công không có nghĩa là Triều Tiên đã sở hữu năng lực tấn công toàn cầu như nước này tuyên bố.

“Chúng ta cần phải đánh giá dựa trên yếu tố kỹ thuật. Một vụ phóng thành công chưa thể giúp họ đạt được bước tiến lớn đến vậy. Họ đang ngộ nhận về thành công”, ông Graham nói.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.