Quân đội Mỹ cho biết, tên lửa của Triều Tiên đã bay trong thời gian 37 phút. Theo giới phân tích, khoảng thời gian đó nói lên rằng Triều Tiên đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện tầm bay của tên lửa, có thể bay đến được bang Alaska của Mỹ.
Tên lửa được phóng đi từ sân bay Banghyon ở thị trấn Kusong, miền tây bắc Triều Tiên, và đi được hơn 930 km trước khi rơi xuống vùng biển nằm giữa Triều Tiên và Nhật Bản, quân đội Hàn Quốc tuyên bố. Chính phủ Nhật Bản thông báo, tên lửa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế ở phía tây của nước này.
Triều Tiên được cho là đã đạt được tiến bộ đáng kể trong chương trình vũ khí của họ, nhưng các chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng vẫn chưa thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đặt vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nhưng vụ thử hôm qua tạo thêm thách thức cho nỗ lực của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm hôm 2/7, ông Trump cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, Mỹ đã chuẩn bị để hành động một mình với Triều Tiên.
Nếu tên lửa bay trong 37 phút để đi quãng đường hơn 930 km theo đường quỹ đạo cao, nghĩa là nó có thể vươn tới độ cao hơn 2.700 km, ông David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh toàn cầu tại Union of Concerned Scientists, một tổ chức vận động khoa học phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, phân tích. Một tên lửa như vậy có thể đạt tầm xa tối đa khoảng 6.700km trên quỹ đạo chuẩn, ông Wright nói. Triều Tiên nói rằng tên lửa của họ, Hwasong-14, bay được trong 39 phút. “Tầm bay đó không đủ để vươn tới 48 bang của Mỹ hay các đảo Hawaii, nhưng có thể vươn đến Alaska”, ông Wright viết trên blog.
Theo ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến hạt nhân Đông Á tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, tên lửa này trông giống loại tên lửa tầm xa nhất mà Triều Tiên từng phóng thử, và thời gian bay lâu như vậy phù hợp với một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể tấn công Alaska và có thể cả Hawaii.
Vượt ngưỡng nguy hiểm
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng, dù họ ấn tượng với tốc độ và tiến triển trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng thời gian bay dài không đủ để nói lên rằng Bình Nhưỡng đã làm chủ công nghệ phức tạp cần thiết để chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, bao gồm công nghệ tách đầu đạn hạt nhân và hướng nó bay trúng mục tiêu.
Ông Kim Dong-yub, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông tại ĐH Kyungnam (Hàn Quốc), nói rằng, tên lửa Hwasong-12 mà Triều Tiên thử vào tháng 5 vừa qua đã bay được 787 km trong 30 phút, đạt tới độ cao 2,111 km. Một tên lửa như vậy có thể đưa một đầu đạn hạt nhân nặng khoảng 650kg đi khoảng 4.500km, chưa đủ xa để vươn tới Hawaii hay Alaska như Triều Tiên tuyên bố vào thời điểm đó. Vụ thử của Triều Tiên hôm qua có thể nhằm mục đích chứng minh tên lửa của họ có thể tấn công Hawaii và Alaska, ông Kim nói.
Trước khi Triều Tiên đưa ra tuyên bố về vụ phóng tên lửa hôm qua, Tổng thống Trump nói rằng đã đến lúc Trung Quốc phải hành động quyết liệt với Triều Tiên và “chấm dứt chuyện phi lý này một lần và mãi mãi”. Hôm qua, Trung Quốc chỉ trích vụ phóng tên lửa, nói rằng nó vi phạm các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc. Nhưng chính phủ Trung Quốc không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sắp có hành động quyết liệt với nước láng giềng phía bắc, mà chỉ thúc giục trở lại bàn đàm phán.
Ông Trump sẽ gặp lại ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức trong tuần này. Ông Cheng Xiaohe, phó giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân Bắc Kinh, nói rằng, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sẽ khiến Trung Quốc phải tìm ra nhận thức chung về Triều Tiên. Ông Cheng không nói rõ nhận thức chung đó là gì, nhưng gợi ý rằng ông Tập sẽ khó ủng hộ Bình Nhưỡng. “Rõ ràng vụ phóng lần này sẽ thay đổi cuộc chơi. Cách làm như thường lệ đã qua rồi”, ông Cheng nói.
Các nhà phân tích khác cho rằng, vụ phóng sẽ đặt chính quyền Trump vào tình thế bấp bênh vì mức tiến bộ như vậy của Triều Tiên đã đạt đến ngưỡng nguy hiểm đối với Mỹ. Mỹ vẫn hy vọng Triều Tiên sẽ không phát triển được tên lửa tầm xa có thể vươn đến đất liền của họ, ông Adam Mount, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ ở Washington, nhận xét. Tuy nhiên, “các cuộc đối thoại sẽ không thể tiếp tục với giả định về phi hạt nhân hóa. Và chúng ta sẽ không thể ép Triều Tiên trở lại bàn đàm phán để ngăn chặn họ vượt qua ngưỡng mà họ đã vượt rồi”, ông Mount nói.
Bằng cách phóng tên lửa lên cao và để chúng rơi xuống Trái đất với tốc độ lớn hơn, Triều Tiên tuyên bố rằng họ đã thử nghiệm công nghệ tái nhập để bảo vệ đầu đạn hạt nhân khỏi nhiệt độ cao và chấn động khi lao qua khí quyển Trái đất. Các chuyên gia nói rằng, họ chưa biết Triều Tiên đã xử lý được thách thức đó chưa.