Cố vấn Mỹ bàn cách kiềm chế chương trình tên lửa Triều Tiên

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP
TPO - “Việc Mỹ, Trung, Hàn mạnh tay với Triều Tiên không làm cho nước này chùn bước mà ngược lại, chỉ có lợi cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”, nhà sử học chính trị, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ John Barry Kotch đã nhận định như vậy ngay sau khi Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Ông John Barry Kotch cho biết, Mỹ- Trung- Hàn hầu như không đưa ra được một kế hoạch nào hiệu quả để ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng. Theo cố vấn Mỹ, chỉ khi khôi phục các thỏa thuận liên Triều tồn tại cách đây 30 năm thì mới có thể  tạo cơ hội tốt nhất cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong vòng hai tuần qua, cuộc họp thượng đỉnh tại Washington giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump và sau đó là cuộc đàm phán cấp cao Trung - Mỹ, cũng đều thất bại trong việc đưa ra một chiến lược chắc chắn nhằm giải quyết triệt để tình hình phức tạp trên Bán đảo Triều Tiên.

"Việc không đạt được bước tiến nào trong các cuộc đàm phán này đã làm lợi cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un", ông John Barry Kotch nhận định.

Mỹ sau đó đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Ngân hàng Đan Đông và công ty đóng tàu Đại Liên, những doanh nghiệp lớn của Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ còn thông qua dự luật  cung cấp vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD cho Đài Loan (Trung Quốc).

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn, ông Trump nhấn mạnh "chính sách kiên nhẫn chiến lược đã chấm dứt" trong việc đối phó với "mối đe dọa" của Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington không đưa ra một biện pháp thay thế nào cụ thể ngoài việc tuyên bố sẽ áp dụng các hình thức trừng phạt mạnh hơn, rộng hơn.

Ông Trump và người đồng cấp Moon cũng nhấn mạnh sự thân thiện và tầm quan trọng lịch sử của liên minh Mỹ - Hàn trong việc đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc ông Trump không đưa ra được một chiến lược nào đối với Triều Tiên, theo giới phân tích, có vẻ như "chính quyền Trump muốn loại Hàn Quốc ra khỏi cuộc chơi".

Thực tế, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ít có cơ hội để thuyết phục Triều Tiên như cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã từng làm cách đây hai thập kỷ với Triều Tiên. Không những thế, ông Moon còn mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc đình chỉ việc triển khai tên lửa phòng thủ giai đoạn cuối THAAD của Mỹ đặt tại Hàn Quốc.

Cũng như với Trung Quốc, ông Trump đã làm cho vấn đề trở nên phức tạp khi lồng ghép cả vấn đề kinh tế và thương mại tại cuộc họp thượng đỉnh Mỹ- Hàn. Điều này khiến cho vấn đề trọng yếu là giải quyết vấn đề Triều Tiên bị xếp xuống hàng thứ yếu. Đặc biệt, ông Trump còn gọi thỏa thuận thương mại tự do Mỹ- Hàn là một “ thỏa thuận tồi tệ” đối với các công ty và công nhân Mỹ và yêu cầu phải sửa đổi lại thỏa thuận này.

Cuối cùng, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ John Barry Kotch cho rằng, phương pháp tốt nhất để tăng cường an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên là thực hiện các hiệp định liên Triều trước đây, bao gồm cả  vấn đề vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân, đặc biệt là Hiệp định về Không xâm lược, Hoà giải, Trao đổi và Hợp tác năm 1991, bao gồm việc thông báo trước và quan sát các cuộc tập trận quân sự, cũng như Tuyên bố chung Bắc-Nam Triều Tiên về Giải trừ vũ khí hạt nhân  trên bán đảo Triều Tiên, cấm phát triển, thử nghiệm và triển khai vũ khí hạt nhân. 

Ông Kotch nhận định, sự phô trương sức mạnh quân sự và sự sẵn sàng chiến đấu của liên minh Mỹ-Hàn có lẽ đã trở nên phản tác dụng và có thể sẽ làm cho Triều Tiên thúc đẩy các chương trình hạt nhân. Do đó, các cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn không nên được xem như một sự trấn an, mà phải có một bước hướng tới việc tăng cường an ninh bán đảo.

Theo South China Morning Post
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.