Khách nội, sản phẩm nội
Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt ưu tiên du lịch Việt” được xếp vào danh sách sự kiện nổi bật nhờ mang lại kết quả tốt (tăng 10% so với năm ngoái). Điểm đến ưa chuộng của dân ta là Tây Nguyên - Đà Lạt với cả chuỗi hoạt động kéo dài suốt 12 tháng.
“Năm du lịch Tây Nguyên khởi đầu cho một quá trình phát triển du lịch trên vùng đất này. Sẽ có đầu tư trong các năm tiếp theo để duy trì hiệu ứng vừa đạt được” – ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Dĩ nhiên cạnh mặt tích cực, còn nhiều vấn đề. “Vẫn còn chặt chém lắm” – ông Hà Văn Siêu, phó Tổng cục trưởng nói – “Khách du lịch tới vào mùa cao điểm khó tránh bị chèo kéo đeo bám. Trong khi đó, lực lượng quản lý mỏng và yếu”.
Đội ngũ hướng dẫn viên cũng đã thiếu còn yếu. Món ngoại ngữ, nhất là mấy thứ tiếng không phổ biến lắm như Hàn, Nhật, Thái Lan, Đức… cứ khấp kha khấp khểnh. Dẫn tới sản phẩm du lịch chưa xứng đáng với đồng tiền khách trong lẫn ngoài nước bỏ ra. Chú trọng phát triển du lịch địa phương mà mối liên kết giữa các vùng miền còn rời rạc. Gốc rễ vấn đề nằm ở chữ “tiền”.
Người khôn của khó
Sự kiện Việt Nam đón gần 7,9 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2014 cũng vào top. Mặc dù mục tiêu của ngành là 8,3 triệu lượt và kỳ vọng còn cao hơn nữa với nguồn cảm hứng đến từ đà tăng trưởng du lịch gấp đôi sau bốn năm.
“Chúng ta mất ít nhất là một triệu rưởi khách nước ngoài” – ông Tuấn nói – “Do không lường hết các biến cố như xung đột chính trị ở nhiều quốc gia trên thế giới, dịch bệnh Ebola và sự kiện biển Đông”.
Lượng khách Nga - Trung (hai thị trường lớn bậc nhất) vì nhiều lý do khác nhau ít khả năng phục hồi như xưa nên Tổng cục đưa kế hoạch năm tới sẽ nhắm vào nhóm đối tượng có khả năng chi trả cao đến từ Tây Âu, Trung Đông thay vì “đua” số lượng.
Du lịch miền Trung đang phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách nước ngoài được báo chí đưa vào danh sách sự kiện nổi bật. Dải duyên hải từ Đà Nẵng đến Bình Thuận thành công nhờ hàng loạt khu resort của giới đầu tư.
Trong khi theo trần tình của phía Tổng cục, vốn nhà nước dành cho phát triển du lịch khá “hẻo”. “Nhiều năm chúng tôi phải chờ từ 6 đến 9 tháng mới được giải ngân. Năm nay đổi mới cơ chế hy vọng sẽ gỡ được nút thắt chí tử đó”. Ông Tuấn phủ nhận tin đồn du lịch Việt Nam nghèo mà chơi sang toàn thuê BBC, CNN quảng cáo cho nhanh.
Đứng đầu danh sách các sự kiện du lịch tiêu biểu của năm là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 92 về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
uần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO công nhận Di sản thế giới và Năm du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên – Đà Lạt lần lượt xếp ở hai vị trí tiếp theo.