New York những ngày đặc biệt
Cơ quan ngoại giao Mỹ cho biết, trong những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc (LHQ), an ninh được siết chặt. Ðể đảm bảo an toàn tuyệt đối, số lượng nhân viên an ninh, cảnh sát tăng tối đa. Riêng lực lượng bảo vệ hội nghị phải tới cả chục ngàn. Nhiều tuyến phố dẫn tới trụ sở LHQ bị cấm. Không khí đặc biệt ấy khiến người ta dễ có cảm tưởng ngột ngạt khi đến Mỹ.
Tại sân bay quân sự John F.Kenedy - nơi đón nguyên thủ các nước, phương thức an ninh đặc biệt nhất của Mỹ được thi triển, bố phòng cẩn mật. Ngay lúc chuyên cơ Chủ tịch nước đáp xuống, một đơn vị đặc biệt có xe bọc thép đặc chủng đen sì lừng lững tiến đến, cảnh giới phía sau. Cùng lúc xuất hiện một trực thăng lượn quanh khu vực chuyên cơ, có lúc nó đứng yên quan sát khá lâu rồi vút lên như trong phim Hollywood. Sau lễ đón tại sân bay, đoàn xe cảnh sát chớp đèn, hú còi inh ỏi đưa xe Chủ tịch nước tiến về trung tâm New York.
Tuy an ninh siết chặt, nhưng thành phố rất thanh bình. New York đúng là xứ sở của những tòa nhà chọc trời. Kiến trúc hiện đại của nó làm người ta choáng ngợp ban đầu nhưng lại rất thân thiện. Vị trí Tháp đôi xưa được thay bằng tòa tháp đơn, phố Wall, quảng trường Times Square, tượng Nữ thần Tự Do luôn sôi động, thu hút hàng ngàn lượt người khắp hành tinh đến thăm mỗi ngày.
Luật cho phép biểu tình nên phía bên kia con phố trước tòa nhà quyền lực của LHQ, mấy hôm nay người của Pháp luân công tới đây phản đối ông Tập Cận Bình những ngày ở Mỹ khá đông. Khu vực phố Park Ave có khách sạn Waldorf Astoria đoàn Trung Quốc lưu trú, ngày nào cũng có người Trung Quốc đến biểu tình.
Những ngày ấy, phóng viên báo chí nước ngoài đến trụ sở LHQ tác nghiệp tăng kỷ lục. Xe truyền phát sóng các hãng thông tấn nằm ngay phía ngoài trụ sở thực hiện các chương trình trực tiếp. Cảnh sát New York chốt chặn ở mọi ngả đường, làm việc khá căng thẳng, nhưng lại rất thân thiện chụp ảnh cùng phóng viên Việt Nam.
Có một lần, tôi và anh Phạm Miên, Tổng biên tập báo CAND đang đi bộ dọc đại lộ Lexinton thì bắt gặp đoàn xe hộ tống Tổng thống Obama. Tất cả những người dân Mỹ đều dừng lại vẫy tay chào và hô thật to “Obama”, “Obama” khi nhìn thấy xe Tổng thống lướt qua.
Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc.
Vào cơ quan quyền lực quốc tế lớn nhất
Ngay buổi chiều đến New York, chúng tôi được anh Bùi Vũ Hiệp - Tham tán báo chí Việt Nam tại LHQ dẫn đi làm thẻ tác nghiệp (trước đó, Sứ quán ta có công hàm ghi rõ họ tên từng người gửi đến LHQ). Vượt qua nhiều tuyến phố, hàng rào cảnh sát, khoảng 4 giờ chiều chúng tôi đến cổng cơ quan quyền lực quốc tế lớn nhất hành tinh. Nhân viên an ninh mời chúng tôi đi qua cửa kiểm tra. Một dãy nhà dã chiến có hàng trăm phóng viên các nước cũng đang chờ. Rất tình cờ, hôm ấy tôi gặp Ailen Tran, quê Nha Trang, sinh sống tại Mỹ - cô là người Việt Nam làm việc tại LHQ. Thấy tôi phải chờ ở hàng bên khá đông, cô liền gọi lại. Biết tôi là nhà báo đến từ Việt Nam, cô nói tiếng Việt với chất giọng thân thiện, vui vẻ. Chỉ mất vài phút Tran làm xong thủ tục cho tôi và một số đồng nghiệp khác. Nghĩa cử đẹp ấy làm ấm lòng chúng tôi khi tác nghiệp xa nhà.
Trụ sở LHQ nằm bên giao lộ số 1 (First Avenue) và phố 46 (46th Street). Tòa nhà chính cao 39 tầng, dành cho các cơ quan của LHQ - trông như một quyển sách khổng lồ đứng uy nghiêm, cao vút. Hai hàng cột chạy dọc hai bên treo quốc kỳ các nước. Hôm ấy trời trong xanh, quốc kỳ Việt Nam rực rỡ tung bay cùng cờ Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước. Bên trong trụ sở, có những tác phẩm nghệ thuật thể hiện khát vọng hòa bình của nhân loại.
Chiều hôm sau chính thức bước chân vào tòa nhà quyền lực LHQ cao chót vót ấy, chúng tôi lại phải trải qua các cuộc kiểm tra, soi chiếu an ninh gắt gao rồi mới đến được phòng họp Ðại hội đồng (GA Hall). Trong 4 ngày dự hội nghị thượng đỉnh, chúng tôi phải bám sát lịch hoạt động ken dày của Chủ tịch nước, có khi tin bài được viết, gửi về trong lúc di chuyển giữa hai địa điểm. Trong cuộc đời làm báo, tôi có nhiều lần được tháp tùng Chủ tịch nước vào hội đàm tại Phủ tổng thống các nước và những cơ quan quyền lực khác, nhưng đây là lần ấn tượng nhất. Không phải vì các thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt - dù việc đó là quá cần thiết, mà bởi, nơi đây đang diễn ra Phiên họp toàn thể Ðại hội đồng LHQ với 193 nước tham dự, bàn Chương trình nghị sự đến năm 2030 cho nhân loại. Ðây là phiên họp lớn nhất hành tinh.
Vì một thế giới phồn vinh
Tại Phiên họp toàn thể, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được mời phát biểu ở thứ tự số 15. Anh Bùi Vũ Hiệp cho biết, đoàn ta may mắn vì được sắp xếp ngồi ngay trung tâm phía trên hội trường, phát biểu ngay trong ngày đầu khai mạc. Tới đây, nguyên thủ các nước không phân biệt lớn nhỏ, phải bốc thăm chỗ ngồi, thứ tự phát biểu, nếu phát biểu vào những ngày cuối, hội trường thường rất vắng.
Chủ tịch nước nêu rõ, chúng ta có mặt tại đây để bày tỏ cam kết và ủng hộ mạnh mẽ một Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển có tính bước ngoặt. Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, với 17 mục tiêu, 169 chỉ tiêu cụ thể, đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hòa bình, an toàn, công bằng, xanh và sạch; tạo khuôn khổ và định hướng mới cho mọi quốc gia trong việc ứng phó các thách thức chung trên ba trụ cột chính là kinh tế, xã hội và môi trường. Các Mục tiêu phát triển bền vững không thể trở thành hiện thực trong điều kiện chiến tranh, xung đột và bất ổn.“Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm và cam kết chính trị cao, chúng ta sẽ thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững vì lợi ích chung của toàn nhân loại, vì cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một nước nào bị tụt hậu trong tiến trình này”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Chúng ta chỉ tập trung được mọi nguồn lực cần thiết cho phát triển trong môi trường hòa bình, ổn định. Do đó, cần bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững. Cần thúc đẩy giải quyết thỏa đáng các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia.
Là quốc gia đã đạt và vượt trước hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam cam kết sẽ đẩy nhanh việc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội, tiết kiệm tối đa tài nguyên và cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Nêu vấn đề biển Ðông, Chủ tịch nước cho biết: Việt Nam nỗ lực cùng các nước ASEAN và các nước liên quan duy trì và củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển Ðông, con đường huyết mạch kết nối ASEAN với các nước và khu vực khác.
Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dài chưa tới 7 phút, chứa nhiều thông điệp, được nguyên thủ các nước nhiệt liệt chào đón.