Một cách giảm tải?

TP - Những khảo sát mới được công bố một lần nữa cho thấy những cải cách trong giáo dục dường như chưa đi đúng hướng, hoặc được thực thi quá vội vàng nên lại thất bại.

Lần thất bại “gần đây nhất” của ngành giáo dục chính là việc thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục-Đào tạo trong việc xóa bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học, thay vào đó là nhận xét của giáo viên.

Nhưng vì sao một chủ trương với mục tiêu giảm tải cho học sinh vốn bị nói là phải học quá nhiều, quá căng thẳng và mệt mỏi ngay từ cấp học đầu tiên, lại bị cả giáo viên, phụ huynh cùng nhiều chuyên gia giáo dục phản đối ngay từ ngày đầu tiên? 

Câu chuyện một giáo viên phải nhận xét hàng trăm học sinh cùng lúc đã được nêu ngay từ những buổi đầu thực hiện chủ trương, cách nay 6-7 năm.  Giáo viên có phản đối thì rồi vẫn phải thực hiện và tìm cách “sống chung”.

 Nhưng hậu quả là cả một thế hệ học sinh một lần nữa bị đem ra làm “chuột bạch”. Nhiều giáo viên nói, học sinh lười học hơn trước, mất động lực học tập và hụt hẫng khi vào lớp 6 bởi đã quen “học sao cũng chẳng sao cả”.

Giảm tải cho học sinh là mục đích tốt, bởi cái gì quá tải đều có hại. Dạy nhồi nhét, học không vào. Nhưng giảm tải bằng cách không cho điểm là cách giảm tải đơn giản nhất vì ngay lập tức không thấy học sinh nào kêu ca với phụ huynh là cách học này căng thẳng nữa.

 Chỉ có điều, những người thiết kế, hoạch định chương trình học vì lý do nào đó, xem nhẹ hoặc “quên” mất mục đích chính của việc dạy và học. Thông tư 30 ra đời ngay lập tức giảm tải cho học sinh, biến việc học trở nên rất nhẹ nhàng bởi không còn ganh đua, không còn chấm điểm. 

Mà không chấm điểm thì không có điểm tốt điểm xấu. Học sinh thoải mái nhưng không có động lực học tập, không có ganh đua, kiến thức không thực sự được nạp vào đầu thì chuyện giảm tải không còn bất cứ ý nghĩa nào hết.

Nhưng giảm tải qua chuyện bỏ qua chấm điểm lại là cách làm dễ nhất, đơn giản nhất và có thể thực hiện ngay, thay vì phải thiết kế lại chương trình học, hệ thống giáo án, sách giáo khoa… Chọn cách làm dễ nhất, nhanh nhất chứ không phải khoa học nhất, ngành giáo dục- đào tạo một lần nữa lại thất bại.

Đây không phải là thất bại đầu tiên trong các chương trình cải cách giáo dục. Và điều đáng nói, đây cũng không phải là lứa học sinh đầu tiên chịu hậu quả của cải cách giáo dục ở nước ta.  

MỚI - NÓNG