Theo đó, Sở yêu cầu nêu được quá trình chỉ đạo của phòng GD&ĐT; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc với từng đối tượng là giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh, cha mẹ học sinh; giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với từng đối tượng.
Nội dung đánh giá cũng cần nêu các kết quả đạt được (kết quả, ưu điểm, nhược điểm); nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cũng như các kiến nghị, đề xuất và giải pháp thực hiện tiếp theo.
Thông tư 30 ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học chính thức có hiệu lực từ 15/10/2014. Theo đó, nguyên tắc đánh giá: vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.
Đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.
Kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất. Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Nội dung đánh giá: Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Ngoài ra, đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực, một số phẩm chất của học sinh.