Mong manh trên đường

Mong manh trên đường
TP - Những ngày này, dọc tuyến quốc lộ, dòng người khổng lồ từ các miền quê đang cố gắng bám theo mọi phương tiện có thể để đổ về lại các thành phố lớn làm ăn sau những ngày Tết. Hương vị quê nhà mấy ngày Xuân vụt qua, nhường chỗ cho nỗi trần ai mang tên tàu xe. Nỗi khổ ải kinh niên hết năm này qua năm khác.

 >> Gánh nặng cầu Ghềnh

Trang nhất báo Tiền Phong hôm qua và nhiều tờ báo khác là hình ảnh phóng lớn của những chiếc xe ô tô bị chà nghiến nát vụn trên cầu Ghềnh (Biên Hòa, Đồng Nai). Cả thảy 6 ô tô bị tàu hỏa băm nát, 2 người chết, 26 người phải cấp cứu khi trên đường chúc Tết về nhà…

Thống kê mới nhất của Bộ GT-VT, trong 6 ngày Tết (từ 30 đến mùng 5 Tết Tân Mão 2011), cả nước xảy ra 381 vụ tai nạn giao thông làm chết 297 người, bị thương 386 người. Trung bình mỗi ngày Tết có tới gần 50 người bỏ mạng vì tai nạn giao thông.

Tai nạn giao thông tại Việt Nam từng được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào loại đại dịch quốc gia với tổn thất nhân mạng trên 33 người mỗi ngày (số liệu năm 2007), và ít có xu hướng giảm. Cũng thời điểm trên, theo Ngân hàng Thế giới, tai nạn giao thông gây thiệt hại cho đất nước này khoảng 850 triệu USD, và chắc tới năm 2011 con số này không dừng ở đó.

Trở lại vụ tai nạn khủng khiếp trên cầu Ghềnh. Theo đánh giá của ngành giao thông, trong Tết Tân Mão, nạn ùn tắc giao thông giảm đáng kể. Thế nhưng chỉ với một vụ ùn ứ nhỏ trên cây cầu này, cộng với sự tắc trách của một số nhân viên ngành đường sắt, thảm họa đã xảy ra.

Nay đang cao điểm của mùa đi lại, cộng với sức nóng từ các lễ hội, đền phủ, chùa chiền, sự tham lam liều mạng của nhiều nhà xe, sự thiếu đồng bộ của hạ tầng giao thông cũng như phương cách quản lý khiến tính mạng hàng triệu con người đang tham gia giao thông càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Một xã hội muốn phát triển luôn phải đặt vấn đề giao thông lên hàng đầu. Ở ta, từ hoạch định cho đến quyết định, từ bàn thảo đến các đợt tuyên truyền vận động về an toàn giao thông đã quá quen thuộc, thậm chí đến mức nhàm.

Rút cuộc, đọng lại hầu như vẫn chỉ là sự ca thán kèm theo những tai nạn kinh hoàng. Đơn giản vì sự ách tắc nằm ở chính khâu quản lý, thực hiện.

Chuyện rất nhỏ như những chuyến xe khách nhồi nhét gấp đôi, gấp ba bình thường, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách như điên, tại sao các ngành kiểm tra kiểm soát vẫn để lọt hết trạm này đến trạm khác?

Thực ra, cả xã hội ai cũng biết vì sao những chuyến xe thần chết ấy vẫn cứ ngang nhiên chạy xông xênh khắp nơi. Ở các nước văn minh, lái xe sợ bị phạt còn hơn ở tù, vì bị thu bằng coi như bó tay treo niêu. Còn ở ta, phạt cũng rất mạnh tay, nhưng chẳng thấy ai sợ! Không chỉ ở mùa đi lại đến hẹn lại lên dịp trước và sau Tết Nguyên đán, mà cả suốt 365 ngày thường.

Cuối cùng, câu chuyện lại quay về chỗ biết rồi, khổ lắm…! Biết, vẫn phải nói. Dẫu nói cũng chỉ để giảm stress những con người hằng ngày đang phó thác phận mình trên đường…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG