Trò chuyện với người viết bài này, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu tại TPHCM nói như muốn khóc: “Dù phải trả mức cước, phí vận chuyển tàu biển rất cao nhưng chúng tôi vẫn không thể tìm đủ container rỗng để xuất hàng cho kịp tiến độ đã ký với đối tác. Hàng đã sản xuất chất đầy kho bãi, ngoài “om” vốn và chịu lãi suất ngân hàng, chúng tôi còn phải chịu đủ thứ chi phí phát sinh khác. Bị phạt vì vi phạm hợp đồng đã đành, chúng tôi còn đứng trước nguy cơ mất các đơn hàng trong tương lai, thậm chí mất luôn cả đối tác”.
Cũng theo vị giám đốc này, trong tình cảnh dịch bệnh hiện nay, để tìm được đơn hàng, duy trì sản xuất và nuôi công nhân đã khó, việc giữ được đơn hàng và khách hàng trong tương lai còn khó hơn gấp bội, bởi trước mắt có quá nhiều rủi ro không thể lường hết.
Tôi tin, đây cũng là nỗi khổ của rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng hóa ở nhiều nơi không được giải phóng kịp thời, tại các cảng đã dẫn đến tình trạng mất cân đối về container rỗng (nơi thừa nơi thiếu). Trong khi đó, do sản xuất đình trệ, thiếu hàng vận chuyển nên các hãng tàu hủy hoặc hoãn chuyến để giảm chi phí khiến giá cước, phí bị đẩy lên cao.
Chưa bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam lại phải đối mặt với tình trạng cước, phí vận tải biển tăng vọt như hiện nay, đặc biệt là hàng vận chuyển bằng container theo đường biển. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ 3 tháng cuối năm 2020 đến nay, mức cước liên tục tăng và tăng gấp nhiều lần. Nhiều loại phí khác cũng tăng một cách bất thường.
Mặc dù vậy, hầu hết các nhà xuất khẩu Việt Nam buộc phải chấp nhận, vì không còn lựa chọn nào khác. Lý do, Việt Nam hiện thiếu nghiêm trọng đội tàu vận tải biển khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài. Điều đó không chỉ khiến doanh nghiệp bị động, mất nhiều lợi thế trong sản xuất, giao thương mà còn dẫn đến tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra.
Sự phụ thuộc và sự đứt gãy kể trên đã bộc lộ lỗ hổng lớn trong hệ thống logistics Việt Nam. Là quốc gia biển và nền kinh tế có độ mở rất cao, xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhưng Việt Nam không có được những đội tàu vận tải biển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu. Đó là nghịch lý và là sự khiếm khuyết lớn. Hậu quả của nó rất khó lường nhưng đang dần lộ diện.
Thực tế cho thấy, bất cứ quốc gia nào muốn phát triển đều phải có hệ thống logistics hoàn thiện, từ kho bãi đến vận tải, xếp dỡ…, trong đó không thể thiếu những đội tàu vận tải biển tương thích.
Trong quá khứ chưa xa, Việt Nam từng ấp ủ và từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn ra biển lớn với việc hình thành những “chiến binh” Vinashin và Vinalines, song rất tiếc đó chỉ là những “con tàu đắm” trong tiếc nuối.
Khát vọng hùng cường, vươn ra biển lớn của quốc gia sẽ rất khó thành hiện thực nếu không thoát khỏi sự lệ thuộc với những lỗ hổng lớn về logistics.