Nơi tôi làm việc nằm đối diện một ngôi chùa thuộc loại lớn nhất TPHCM. Mỗi ngày đến cơ quan, tôi đều chứng kiến quanh cổng chùa có những “quầy sách” tạm bợ kê trên chiếc bàn xếp nhỏ chỉ hoặc chỉ là chiếc thùng các-tông bày bán công khai nhiều loại sách về thế giới vô hình. Từ sách bói toán, tử vi, tướng số, nghiên cứu vận mệnh đến những sách về vong linh… đều có cả.
Vào dịp lễ, tết, các quầy sách xếp thành dãy dài ngoài đường. Ngoài ra, trong những cửa hàng sách xung quanh chùa cũng bày bán không ít loại sách này. Có loại có tên nhà xuất bản, in ấn tương đối tốt, cũng có loại không có nhà xuất bản, in ấn cẩu thả, nhòe nhoẹt, thậm chí chỉ là bản photocopy để rời hay đóng thành tập.
Nhiều lần tôi chọn ngẫu nhiên một vài cuốn và hỏi người bán về nguồn gốc sách thì phần lớn nhận được câu trả lời khá mơ hồ, đại ý: Có người đến giao, “nhắm” có lời thì lấy bán chứ không biết sách làm từ đâu. Cũng có người xác nhận tải các bài viết từ mạng internet theo từng chủ đề rồi in ra bán. Trong các trang viết tràn lan lỗi chính tả và lỗi diễn đạt. Không chỉ quanh chùa, các loại sách này còn được bán tràn lan ở các nơi công cộng như bến xe, bến tàu, bệnh viện…
Nạn làm sách giả, sách lậu với nội dung nhảm nhí, độc hại, cổ súy cho mê tín dị đoan… dường như chưa bao giờ suy giảm theo thời gian. Nhiều đầu sách tương tự cũng được các nhà xuất bản có tên tuổi thực hiện. Đó là những loại sách nói về áp vong, trò chuyện với vong linh hay sách về “Cõi vô hình”.
Có sách tung hô một người được cho là có “con mắt thứ ba”, có khả năng “kết nối với các linh hồn” nhưng mọi thứ đều chưa được kiểm chứng về mặt thực tiễn lẫn khoa học. Chỉ dựa trên một vài hiện tượng, sự việc nào đó hay lời kể của nhân vật, các nhà làm sách đã vội vàng cho ra đời một cuốn sách đầy màu sắc hoang tưởng.
TS.Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Trưởng khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM cho rằng, tâm linh là nhu cầu có thực trong đời sống xã hội, nó bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, lo lắng hay mong muốn nào đó của con người. Nhưng ranh giới giữa văn hóa tâm linh và mê tín dị đoan rất khó rạch ròi nên người ta thường nhân danh khoa học, tôn giáo để truyền bá, cổ súy cho mê tín dị đoan.
Trong khi đó, việc quản lý xuất bản đang có những kẽ hở “chết người”. Về cơ bản, hiện tại các nhà xuất bản tự quyết định việc xuất bản và tự chủ tài chính. Do đó, bất cứ ai có tiền cũng có thể in sách, bất luận đó là sách nghiên cứu khoa học nghiêm túc hay sách đạo nhái, sách mê tín dị đoan… Khâu hậu kiểm cũng cực kỳ lỏng lẻo.
Do vậy, vấn đề mấu chốt là phải bịt những kẽ hở trong công tác quản lý. Cùng với đó, mỗi người đọc phải tự nâng cao sức đề kháng và khả năng “miễn dịch tinh thần” mới hy vọng loại trừ được sách rác, sách "độc”.