Hơn một năm qua, liên tiếp xảy ra những sự cố hoặc lạnh gáy, hoặc gây méo mó hình ảnh của một ngành luôn được xem là sang trọng, là bộ mặt của đất nước. Từ vụ máy bay rơi bánh mà khi hạ cánh mới biết không còn bánh đến những dịch vụ vừa nghèo nàn vừa được phục vụ với giá “trên trời”. Rồi hình ảnh được cho là nhếch nhác, kém tiện nghi của hai sân bay lớn nhất nước bị bêu lên các trang mạng quốc tế. Chưa hết, tại sân bay Đà Nẵng ngày 27/6, phi công, sau khi hú vía vì vừa thoát khỏi một vụ đâm nhau với máy bay khác ngay tại sân bay do lỗi của đài chỉ huy, đã phải thốt lên với nữ kiểm soát viên không lưu: “Bọn em xém chết rồi đấy”. Anh phi công này chắc hẳn đã cố nhịn để giữ lịch sự với phái nữ. Nhưng nếu anh biết người suýt khiến anh và cả mấy trăm hành khách cùng hai chiếc máy bay cỡ lớn gặp tai họa chỉ là một nữ thực tập sinh, chưa được phép trực tiếp điều hành bay, chắc anh sẽ không còn giữ được bình tĩnh.
Nhiều năm qua, dù ngành hàng không Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế xếp loại trung bình, an toàn bay vẫn được đảm bảo. Nhưng với một loạt sự cố uy hiếp an toàn bay mà lỗi hầu hết là do con người, niềm tin của hành khách trong và ngoài nước đối với hàng không Việt Nam chắc chắn sụt giảm. Trong báo cáo an toàn bay năm 2013 của tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Việt Nam cũng không có tên trong danh sách những nước thực thi hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn bay. Danh sách của năm 2014 vẫn tiếp tục không có tên Việt Nam.
Hàng không là bộ mặt của đất nước, hình ảnh sân bay, nhân viên hàng không luôn là dấu ấn đầu tiên mỗi khi du khách đặt chân đến một quốc gia. Nhưng với những “hạt sạn” ở sân bay khó lòng mà nói rằng chuyến thăm của du khách là trọn vẹn. Ít nhất đã có hàng trăm du khách nước ngoài khó quên chuyến bay nhọc nhằn vào ngày 20/11 vừa rồi, cho dù các danh thắng hấp dẫn và người Việt hiếu khách đến mức nào.