Hà Nội:

Lý do hoãn cưỡng chế thu hồi đất 58 hộ dân dự án cải tạo di tích Gò Đống Thây

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND quận Thanh Xuân vừa ban hành văn bản về việc thay đổi thời gian tổ chức thực hiện kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung).

Trước đó, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về tổ chức cưỡng chế thu hồi đất GPMB thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây trong khoảng thời gian từ 8 giờ các ngày 25, 26, 27/3.

Đối tượng cưỡng chế gồm 58 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây (trong đó, 49 trường hợp tháo dỡ toàn bộ công trình; 9 trường hợp cắt xén).

Lý do hoãn cưỡng chế thu hồi đất 58 hộ dân dự án cải tạo di tích Gò Đống Thây ảnh 1

Phối cảnh dự án tu bổ di tích Gò Đống Thây

Tuy nhiên, tại buổi họp rà soát tiến độ công tác GPMB mới đây, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng kết luận, chỉ đạo tạm hoãn tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất. Thời gian cụ thể tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với 58 hộ dân sẽ được UBND quận Thanh Xuân thông báo sau.

Lý do hoãn cưỡng chế thu hồi đất 58 hộ dân dự án cải tạo di tích Gò Đống Thây ảnh 2

Hiện trạng xung quanh Gò Đống Thây hiện nay

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết thêm, trước đây các hộ dân không phối hợp cung cấp thông tin chứng minh họ sống ở đây trong hàng chục năm. Tại buổi họp mới đây, người dân đã phối hợp để cung cấp thêm hồ sơ. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân tại khu vực, UBND quận yêu cầu Ban Quản lý dự án quận tiếp tục rà soát, tổng hợp hồ sơ, căn cứ thực hiện dự án để đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng quy định. Người dân tiếp tục cung cấp hồ sơ liên quan đến đất ở hiện trạng từ nay đến ngày 28/3.

Khu vực Gò Đống Thây khi xưa thuộc cánh đồng làng Cự Chính - Nhân Mục, là một vùng sình lầy, rậm rạp rộng lớn ven sông Tô Lịch. Qua hàng nghìn năm, miền đất này được người dân khai hoang đất thành đồng ruộng, xóm làng và có tên Nôm "Kẻ Mọc" gồm 12 làng, sau này còn có tên chữ là Nhân Mục.

Đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại. Trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay), hai trận mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục vào cuối năm 1426 đã tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây.

Sau đó, người dân địa phương đã lưu truyền đến ngày nay là "Gò Thất Tinh", "Khu mả Thất Tinh" và dần trở thành cái tên thông dụng như ngày nay "Gò Đống Thây" với ý nói thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.