Lúc nào mới 'vội'?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cư dân kêu cứu vì gia đình 4 F0 năm ngày “bị bỏ rơi” và “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà”, chỉ sau 5 ngày thành lập đã thu hút hơn 23.000 người tham gia; Hà Nội có ca mắc mới cao nhất cả nước...

Những dòng tin về dịch bệnh tại Thủ đô khiến nhiều người lo lắng. Giữa Thủ đô, những ca bệnh không được tiếp cận y tế trong nhiều ngày phải tự xoay xở khiến cư dân phải viết đơn kêu cứu khẩn cấp lên UBND phường tại Hoàng Liệt, Hoàng Mai. Hay câu chuyện quá tải tại một trạm y tế vùng cam Đống Đa mà phóng viên Tiền Phong ghi nhận trong một ngày trực chiến cùng các y, bác sĩ.

Trong một tuần gần đây, trung bình mỗi ngày Hà Nội có hơn 1.000 ca F0 được phát hiện. Dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng. Với giải pháp thích ứng linh hoạt, an toàn, Hà Nội xác định công việc phòng, chống dịch sẽ đổ dồn lên lực lượng y tế cơ sở. Trong suốt thời gian qua, các nhân viên y tế chịu trách nhiệm làm nhiều việc cùng lúc. Thời điểm đầu dịch, họ tập trung rà soát, điều tra, truy vết các trường hợp liên quan dịch tễ; lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trên địa bàn; rồi triển khai tiêm vắc xin, giờ thêm nhiệm vụ tư vấn, điều trị, theo dõi cách ly hàng trăm ca F0 trên địa bàn.

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy cuối tuần qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nhận định, thắng bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 tăng mạnh, không để dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc. Ông Dũng chỉ đạo, từng quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo đánh giá và xác định nhu cầu bố trí các trạm y tế lưu động theo số dân và từng cấp độ dịch. Ví dụ như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) với số dân lên tới 9 vạn người mà chỉ có 1 trạm y tế phường thì làm sao chịu nổi sức ép khi dịch bệnh gia tăng?

Lãnh đạo Thành ủy chỉ đạo quyết liệt như vậy, nhưng những giải pháp triển khai của chính quyền ra sao thì lại thiếu vắng. Đang thiếu nhân lực nhưng tại sao thành phố không huy động các y bác sĩ đã nghỉ hưu, huy động các sinh viên trường đại học, cao đẳng y dược trên địa bàn hỗ trợ phòng, chống dịch. Còn nhớ năm 2020 khi dịch mới bùng phát, chỉ phát hiện vài chục ca, hoặc vài ca một ngày, Hà Nội huy động được cả trăm y bác sĩ đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia chống dịch, truy vết F1. Còn hiện nay, nhiều việc của Hà Nội đã rõ, như câu chuyện thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị cho y tế cơ sở nhưng chậm được khắc phục.

Rõ rằng, người dân mong muốn và chờ đợi lãnh đạo thành phố phải “sốt ruột” hơn nữa, ngành Y tế Thủ đô phải có hướng dẫn về chuyên môn, nhất là trang thiết bị và con người cho các trạm y tế. Từng phường, xã, thị trấn phải có phương án cụ thể để chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực tương ứng với số lượng trạm y tế lưu động sẵn sàng triển khai khi số ca F0 tăng mạnh.

Có như vậy mới hy vọng Hà Nội sớm kiểm soát được dịch, người dân Thủ đô mới yên tâm trước số lượng ca F0 đang gia tăng từng ngày.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.