'Lửa thử vàng, gian nan thử sức'

Đại dịch COVID-19 tạo ra cú sốc lớn đối với nền kinh tế trong năm qua
Đại dịch COVID-19 tạo ra cú sốc lớn đối với nền kinh tế trong năm qua
TP - TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, trò chuyện với Tiền Phong về những kết quả đạt được trong năm qua, đồng thời đề xuất những giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức  trong năm 2021.

Ðộng lực  mới, sức sống mới

Ông nhìn nhận như thế nào về  một năm qua với rất nhiều biến động, tác động trực tiếp đến nền kinh tế xã hội trong, ngoài nước?

2020 là một năm không thuận ở cả trong nước và thế giới với những diễn biến vô cùng khó lường. Một trong những điểm đáng lưu ý nhất là đại dịch COVID-19. Tốc độ lây lan ra toàn thế giới, buộc các nước phải tập trung cao độ cho phòng, chống dịch, dẫn đến một số nền kinh tế bị cô lập, cắt đứt các mối quan hệ với bên ngoài.

Hệ quả tất yếu, nền kinh tế toàn thế giới tăng trưởng âm trong năm 2020.  An ninh chính trị thế giới cũng có nhiều diễn biến phức tạp không lường được. Sự nóng lên của khu vực Trung Đông, Bắc Phi, rồi một loạt các nước khác, dẫn đến tình trạng mất ổn định với cả nền kinh tế thế giới.

Ở trong nước, chuỗi giá trị cũng bị đứt gẫy, kéo theo thương tổn của nền kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển trong điều kiện hội nhập sâu rộng. Bên cạnh đại dịch, chúng ta còn phải hứng chịu sự tàn phá bởi thiên tai, bão lũ... Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thành tựu kinh tế xã hội của chúng ta đạt được cũng hết sức ấn tượng. Dù tăng trưởng thấp hơn trước, nhưng với mức gần 3%, đã đưa Việt Nam lọt vào tốp đầu những nước tăng trưởng cao trên thế giới.

Thành tựu đó là công lao của sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, chính sách của Quốc hội, cũng như những nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân như các lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước từng nhấn mạnh.

Trong kết quả chung ấy, ông ấn tượng nhất với những thành tựu trên lĩnh vực cụ thể nào?

Thành tựu đáng ghi nhận trong năm qua là sự kiềm chế, kiểm soát lạm phát dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong bối cảnh dịch bệnh gây tổn hại trên diện rộng, buộc chúng ta phải tính toán, nới lỏng tài khóa, tiền tệ ở mức độ cho phép để cứu doanh nghiệp, tạo động lực để họ vượt qua khó khăn, thách thức. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ phá vỡ sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát bùng lên.

Tuy nhiên, việc quản lý điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa của chúng ta đến giờ phút này tương đối ấn tượng. Nợ công cũng đang ở mức giới hạn cho phép trong điều kiện giãn giảm, miễn thuế, tăng chi hỗ trợ do tác động bởi đại dịch. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như vậy, thu ngân sách cũng đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội. 

'Lửa thử vàng, gian nan thử sức' ảnh 1  TS. Bùi Đức Thụ

Với những biến động lớn của thị trường, xuất nhập khẩu khó khăn, doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí ngừng hoạt động, phá sản, người dân mất việc làm, thu nhập giảm, nền kinh tế bị tác động kép. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã tìm cách khơi thông, phát triển thị trường nội địa, đồng thời khai thác hiệu quả thị trường thế giới bằng những hiệp định mới vừa đươc ký kết. Xuất khẩu dù tăng chậm hơn những năm trước, nhưng chúng ta vẫn đạt con số ấn tượng, giúp tái sản xuất, tạo nguồn lực ổn định tỷ giá hối đoái, kiềm chế lạm phát.

Cũng trong bối cảnh khó khăn vừa qua, vấn đề đặc biệt lo ngại khác là quốc phòng, an ninh. Biển Đông vẫn chưa lặng sóng, các tiềm ẩn mâu thuẫn trong khu vực chưa được giải quyết căn cơ, yêu cầu giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền cũng như trên biển là một thách thức lớn. Từ những chính sách phù hợp, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của chúng ta vẫn giữ được ổn định để phát triển.

Cùng với dịch bệnh, trong năm qua, chúng ta phải hứng chịu đợt thiên tai rất lớn, đặc biệt bão lũ khu vực miền Trung không chỉ phá hủy cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh mà còn làm cho người dân gần như trắng tay, điêu đứng. Tuy nhiên chúng ta vẫn giữ được an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để người dân bị đứt bữa.

Cũng trong năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự gượng dậy và lột xác của một bộ phận trong nền kinh tế. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Chính trong bối cảnh khó khăn với nhiều sức ép lớn, buộc các doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại nền kinh tế, cắt giảm chi tiêu, đổi mới khoa học công nghệ, số hóa hoạt động của mình, tạo làn sóng đổi mới, để số hóa nền kinh tế, theo kịp thời đại trong cuộc Cách mạng 4.0. Điều này đã tạo ra động lực, sức sống mới cho nền kinh tế trong tương lai, tạo thêm điều kiện vật chất cho những năm sau phát triển bền vững, hiệu quả hơn.

Tiếp tục đẩy mạnh sang cơ chế thị trường

Mặc dù vậy, không thể chủ quan với những diễn biến khó lường có thể xảy ra trong năm 2021, thưa ông?

Dự báo năm 2021 thế nào, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, nhưng cũng chỉ là ở thời điểm đó, còn tình hình trong nước, quốc tế có thể thay đổi với những diễn biến bất ngờ. Nếu không theo sát, cập nhật để nhận định, có giải pháp xử lý phù hợp, chúng ta sẽ bị động, dẫn tới tác động xấu đến kinh tế xã hội.

'Lửa thử vàng, gian nan thử sức' ảnh 2 Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương

Nguy cơ hiện hữu nhất là tình hình dịch bệnh. COVID-19 bao giờ kiểm soát được? Cần phải theo dõi, cập nhật và tuyệt đối không được chủ quan. Với tiến triển như hiện nay, tôi hi vọng giữa năm 2021, cơ bản sẽ kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh, hạn chế tối đa tác động.

Trong nước, chúng ta đã lóe lên những “tia sáng cuối đường hầm”. Trước nhiều sức ép buộc tổng thể nền kinh tế phải tái cơ cấu mạnh hơn, đó là hướng đi đúng, và đã có sự tổng duyệt, đạt được kết quả bước đầu. Nền kinh tế của chúng ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã có đà, nếu quản lý, điều hành tốt, những lợi thế từ các hiệp định mới sẽ tạo ra lợi thế để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, giữ vững tỷ giá, kiểm soát chắc lạm phát.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp hiệu quả để đạt được các mục tiêu đề ra trong năm tới?

Với mỗi vấn đề cụ thể, cần phải bám sát tình hình nhưng giải pháp chung, căn cơ phải quyết theo bám đến cùng là tiếp tục rà soát, đẩy mạnh sang kinh tế thị trường, thực hiện đúng theo nguyên lý kinh tế thị trường. 

Mặt khác, nền kinh tế đã chuyển động, thay đổi về chất, từ quản lý bằng thủ công, sang cách mạng 4.0, đòi hỏi cải cách quản lý nhà nước trong tình hình mới phải  quyết liệt hơn. Có những loại hình, đối tượng không mở văn phòng, trụ sở ở Việt Nam, nhưng lại thu lợi nhuận ở Việt Nam. Vậy việc thu thuế, quản lý thế nào? Hội nhập kinh tế, chúng ta không thể cấm được, nên phải đổi mới để quản lý tốt hơn, tìm ra phương thức mới cho phù hợp, không thể áp dụng mô hình, cách làm cũ.

Thứ nữa, chúng ta phải tạo lập cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho việc đổi mới công nghệ, số hoá nền kinh tế ở phạm vi rộng rãi. Ngoài doanh nghiệp lớn, còn lại 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên Nhà nước phải thực sự là “bà đỡ”, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.

Dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định tỷ giá, kiểm soát được chính sách tài khóa, giảm nợ công, bội chi, lành mạnh hóa ngân sách. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, phải sử dụng đồng tiền thực sự hiệu quả, trở thành vốn mồi, thu hút các thành phần kinh tế khác. Nhưng muốn thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nước, phải ổn định tỷ giá, hạ tầng phát triển, tạo môi trường hấp dẫn...

Với những kết quả đạt được trong năm 2020, nếu tiếp tục làm tốt, chúng ta sẽ thu hút nguồn lực lớn hơn. Chúng ta cần giải phóng kinh tế tư nhân, có chính sách tháo gỡ, thúc đẩy để họ thực sự đơm hoa kết trái, trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế.

Cảm ơn ông.

“Đại dịch đang dần được kiểm soát, tốc độ phát triển thế này, dấu hiệu phục hồi kinh tế Việt Nam đã rõ với sự tăng trưởng ấn tượng trong 3 quý gần đây. Nếu trong năm 2021 không có những biến động lớn, với những giải pháp hiệu quả đề ra thì con số tăng trưởng 6,5% của chúng ta có thể đạt được”.

 TS. Bùi Đức Thụ nhận định

“Chúng ta đang chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong bối cảnh khó khăn mà đạt được những thành quả đó, thì niềm tin của người dân đối với Đảng, với hệ thống chính trị càng được giữ vững,  tin tưởng hơn. Trong khó khăn, người dân vẫn thấy được sự nhân văn trong lãnh đạo, điều hành đất nước. Đó là một phần thưởng lớn và cũng tạo ra một bầu không khí tốt trước thềm đại hội ” TS. Bùi Đức Thụ

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.