Liên tục ngả mũ kính cẩn

Liên tục ngả mũ kính cẩn
TP - Chính tả những năm 1970-1980 quy định rằng chỉ có mấy danh từ chung cần viết hoa: chữ Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, chữ Bác là chỉ Bác Hồ, chữ Người là cũng để nói về chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy thôi.

Viết hoa là để tỏ lòng kính trọng. Đấy là cách giải thích.

 

Nhưng rồi bây giờ ngập tràn chữ viết hoa. Một bài báo, một trang sách chi chít chữ viết hoa, đến rối cả mắt, hoa cả mắt. Tự giải thích là đối tượng cần kính trọng đã nhiều hơn ngày trước, hơn gấp nhiều lần. Người ta viết hoa chữ tổng thống, trong chữ Tổng thống Obama. Obama là danh từ riêng, chắc chắn là viết hoa. Nhưng tổng thống là danh từ chung, ai quy định viết hoa chữ này? Cũng thế là những chữ Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc, Tổng thư ký… thôi thì hoa hết. 

Chuyện vui: một nhạc sĩ, trong tác phẩm của mình, đã cóp nhặt của mỗi bậc thầy một tí. Bản nhạc được tấu lên, một người thưởng thức chốc chốc phải đứng dậy, cúi mình chào cung kính. Hỏi làm sao phải chào liên tục như vậy, ông bảo vì nãy giờ tôi liên tục gặp người quen.
Đọc một bài báo bây giờ, cũng phải liên tục ngả mũ cúi mình chào, cung kính. Gặp nhiều chữ phải cung kính quá.

Cung kính trước đối tượng xứng đáng là cần thiết. Nhưng ít ra cũng phải có một cơ quan có trách nhiệm quy định cái chính tả cung kính này. Không một ai đứng ra quy định. Thế là thả lỏng cho cánh làm báo có ngoại ngữ, cứ thế bê nguyên xi chính tả tiếng Anh tiếng Mỹ vào tiếng Việt.

Chính tả của họ thì các ngày trong tuần cũng viết hoa: thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật, Friday, Saturday, Sunday. Tháng cũng viết hoa: tháng Tư, tháng Năm, tháng Sáu, April, May, June.

Tiếng Việt của các vị cứ vậy mà phá vỡ quy chuẩn, người theo chính tả tiếng Việt thì không viết hoa, người theo chính tả ngoại ngữ thì viết hoa. Làm rối loạn cả lên.

Cung kính quá, đến mức viết cũng thừa cũng sai mà không tự biết. Bây giờ có cái mốt thưa gửi mào đầu: 

- Kính thưa quý vị khách quý, để mở đầu xin được phép trích một câu danh ngôn lừng danh của một nhà danh nhân danh tiếng, một người từng nắm giữ những trọng trách quan trọng.

Tôi chưa phải nghe ai nói một tràng những từ kính cẩn thừa thãi như vậy. Nhưng từng chữ thì có. Nhiều lúc nhiều nơi.

Có một chữ mà tôi vẫn tránh dùng: bạn đọc. Tôi quen dùng những chữ mang tính trung lập: người đọc, độc giả. Người đọc chưa hẳn là bạn ta. Dù có là bạn, thì cũng nên để cho họ có một vị trí trung lập và khách quan tương đối. Gọi là bạn đọc, có một cái gì đó mang tính lấy lòng, mua chuộc, chưa gì đã phủ đầu người ta bằng một thứ tình cảm my dân, cầu mong sự thiên vị. 

Trở lại với việc không có quy chuẩn chính tả của một cơ quan có trách nhiệm. Nhìn bìa những cuốn sách giáo khoa của học sinh phổ thông, thấy những chữ Địa lí, Vật lí… thì băn khoăn: Bộ Giáo dục tự cho mình sửa chính tả từ bao giờ, và nếu đã đứng ra chịu trách nhiệm sửa thì phải phổ biến để báo chí sách vở tài liệu sửa theo cho thống nhất. Đằng này chỉ riêng hệ thống giáo dục là sửa những chữ i li ti kiểu này. Một mình một kiểu.

Chữ hi vọng mà viết i ngắn thì có cảm tưởng không còn thấy hy vọng gì ở trong ấy. Chữ lí tưởng thì cũng chẳng thấy đẹp đẽ lý tưởng gì. Chữ iêu quí mà i ngắn thì chẳng thấy yêu mà cũng chẳng thấy quý. Nó bí, nó ti hí, nó li ti, nó xấu xí… chữ i ngắn tượng thanh ra thế, mà tượng hình mẫu tự cũng ra thế.

Nói vậy thôi, chữ i một khi viết đúng chính tả thì vẫn có thể đẹp. Chữ tri thức chẳng hạn.

MỚI - NÓNG