Liên thông dọc - ngang

0:00 / 0:00
0:00
TP - Học đại học lúc 10 tuổi, học tiến sĩ khi 16 tuổi không còn xa lạ tại các trường đại học trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, thì “cổ lai hy”.

Năm 2019, hai đại học quốc gia có chủ trương cho phép sinh viên những năm cuối học thẳng lên chương trình thạc sĩ hoặc học một số học phần của chương trình thạc sĩ mà không cần đợi sau khi có bằng tốt nghiệp ĐH. Đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội mới có 2 đơn vị triển khai thí điểm, còn ĐH Quốc gia TPHCM cũng chỉ có số ít đơn vị thực hiện.

Mấy ngày gần đây, một số trường đại học khác ở khu vực phía Nam thông tin đến sinh viên về việc có thể học “nhảy cóc” chương trình thạc sĩ khi đang học đại học. Phương thức đào tạo này thực sự đã mở ra nhiều lựa chọn cho sinh viên. Trong đó, quan trọng nhất là người học được rút ngắn thời gian trên giảng đường để có bằng thạc sĩ bằng cách tận dụng “khoảng trống” học tập ở đại học mà vẫn theo đuổi được đam mê.

Thực tế mỗi người một sự lựa chọn, có người chỉ cần bằng cử nhân để đi làm nhưng có người muốn được học cao hơn, có cơ hội để nghiên cứu sâu một lĩnh vực nào đó. Nhưng thay vì phải học 4 năm mới có bằng ĐH, 18 - 24 tháng nữa để có bằng thạc sĩ thì việc tạo điều kiện học kết hợp 2 chương trình đào tạo cho phép người học chủ động có được tấm bằng như mong muốn trong thời gian ngắn nhất. Tiết kiệm thời gian cũng chính là tiết kiệm tiền bạc, công sức của sinh viên và gia đình.

Việc cho phép sinh viên học chuyển tiếp lên thạc sĩ khi chưa tốt nghiệp hoặc học một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ được đánh giá giống như một cách để giải phóng năng lực của người học. Đó là sự liên thông dọc. Các trường đại học cũng cho phép sinh viên học liên thông ngang, tức có thể học song song cùng lúc hai ngành đào tạo và khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có 2 bằng đại học chính quy. Sự liên thông này phù hợp với bối cảnh hiện nay khi thị trường lao động yêu cầu người tốt nghiệp không chỉ có năng lực chuyên sâu một lĩnh vực nào đó mà còn phải có phổ kiến thức rộng.

Liên thông dọc hay liên thông ngang trong giáo dục đại học đang có nhiều tính ưu việt giúp người học đạt được yêu cầu về kiến thức, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nhưng đảm bảo chất lượng đào tạo, không chạy theo số lượng là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đào tạo và sự quản lí về mặt nhà nước của Bộ GD&ĐT.

Cửa đã mở nhưng vẫn rất cần người gác cửa.

MỚI - NÓNG