PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền:

Lên đồng hấp dẫn vì khả năng 'lôi kéo'

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền (bìa trái) trong Đoàn VN tham dự Hội nghị lần thứ 11 của UBLCP UNESCO về bảo vệ Di sản VHPVT. Ảnh: Lan Hương.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền (bìa trái) trong Đoàn VN tham dự Hội nghị lần thứ 11 của UBLCP UNESCO về bảo vệ Di sản VHPVT. Ảnh: Lan Hương.
TP - PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN) vừa trúng cử vào Ban Thẩm định (Evaluation Body) Di sản Văn hóa phi vật thể (VHPVT) của UNESCO. Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện cùng thành viên mới của tổ chức thẩm định di sản uy tín nhất thế giới.

Bà có thể cho biết công việc chính của bà tại Ban thẩm định là gì?

Trước đây, tôi đã từng là thành viên của Ban Thẩm định của UNESCO nhiệm kỳ 2012-2014 với tư cách là chuyên gia tư vấn cho một tổ chức Phi chính phủ của Việt Nam. Năm nay, tại Phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Liên chính phủ (UBLCP), Công ước 2003 tại Ethiopia, tôi đã vượt qua 2 ứng cử viên của vùng Châu Á-Thái Bình Dương, trúng cử vào Ban Thẩm định với số phiếu 21/24. Ban Thẩm định bao gồm 12 thành viên: 6 chuyên gia của 6 quốc gia không thuộc UBLCP và 6 Tổ chức Phi chính phủ.

Nhiệm vụ chính của các thành viên là xem xét, thẩm định các hồ sơ của các quốc gia thành viên đệ trình UNESCO. Mỗi năm Ban Thẩm định họp 02 lần tại Trụ sở của UNESCO tại Paris để thảo luận quy trình xét duyệt hồ sơ và phản biện từng hồ sơ về việc các di sản có đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO hay không rồi khuyến nghị lên UBLCP là di sản được vinh danh, hay không được vinh danh.

Là người từng có nhiều năm nghiên cứu, đồng thời từng là Ủy viên thư ký Ban Xây dựng hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, theo bà vì sao cộng đồng lại tỏ ra thiên vị với di sản này?

Nghi lễ Lên đồng là một thực hành văn hóa dân gian, mang tính nguyên hợp, bao gồm nhiều yếu tố kết hợp: đức tin, âm nhạc, nhảy múa, hành động nghi lễ, trang phục, sự ban tài phát lộc.  Sức lôi cuốn của nó phụ thuộc vào các thành đồng đạo quan “làm việc thánh”, cung văn “đàn hay hát ngọt”, các yếu tố nghệ thuật truyền tải những yếu tố văn hóa độc đáo, có sự tương tác cao giữa những người tham dự, người hầu đồng... Có người vì đức tin mà họ ra đồng mở phủ thành con nhang đệ tử, tham dự nghi lễ để cầu thần thánh phù hộ, có người mê âm nhạc, hát văn, có người đơn giản thấy vui, chữa bệnh tâm lý... Sức hút của Lên đồng đa chiều, không phân biệt vị thế xã hội, đẳng cấp, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp.Ưu thế của nghi lễ này chính là đáp ứng tâm tư nguyện vọng cầu tài, cầu lộc, cầu công danh địa vị, và sự gần gũi với đời sống thường nhật. Và vì vậy, Lên đồng có khả năng hấp dẫn nhiều người ra đồng mở phủ, trở thành các tín đồ, cũng như tham dự nghi lễ.

Các nhà nghiên cứu nước ngoài nói gì về sự độc đáo của Tín ngưỡng thờ Mẫu, thưa bà?

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được truyền hình BBC đưa vào trong một chương trình về 80 những tôn giáo tín ngưỡng độc đáo nhất trên thế giới vào năm 2009. Một số chuyên gia nước ngoài gọi nghi lễ Lên đồng là “bảo tàng sống” lưu giữ những nét văn hóa mang bản sắc dân tộc Việt (TS. Frank Proschan, nguyên là cán bộ cao cấp của Ban thư ký Công ước 2003, UNESCO). Số khác lại cho rằng nghi lễ đem lại “niềm vui cho tất cả những người tham dự” (TS. Karen Fjelstad, Đại học San Jose);  các vị thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu “rất hào phóng” (TS. Laurel Kendall, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, Tp. New York).

Lên đồng hấp dẫn vì khả năng 'lôi kéo' ảnh 1

Khách quốc tế tham dự vấn hầu của thanh đồng Trần Thị Huệ tại Phủ Dầy (Nam Định).

Trong lần đi Ethiopia vừa qua, và trong quá trình công tác ở nước ngoài, có di sản quốc tế nào khiến bà thấy thú vị?

Trong Phiên họp lần thứ 11 của UBLCP tại Ethiopia, trong số 33 di sản được UNESCO vinh danh có một số di sản nổi tiếng được nhiều người trên thế giới biết đến  như Văn hóa uống bia của Bỉ, Yoga của Ấn Độ, Điệu nhảy Rumba của Cuba, hay Hệ thống 24 tiết khí của Trung Quốc, Văn hóa lặn của phụ nữ ở đảo Jeju của Hàn Quốc, v.v.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền từng làm luận án tiến sĩ ở Mỹ về Lên đồng,  đồng thời có tới 10 công trình về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt trong đó có 2 cuốn sách bằng tiếng Anh xuất bản ở Mỹ.

Trên thế giới, có nhiều thực hành tương tự như nghi lễ Lên đồng của một số tộc người ở châu Phi, Brazil, vùng Caribe, Trung Đông, Thái Bình Dương, Nam và Đông Nam Á. Trong các chuyến đi công tác, làm việc, tôi cũng đã từng dự nghi lễ Kut, một hình thức shaman giáo (có nét giống Lên đồng) của Hàn Quốc, hình thức diễn xướng sử thi mang tính chất shaman của Kyrgystan, hay nghi lễ Voudou của người Haiti ở New York. 

Sắp tới VN sẽ đệ trình hồ sơ di sản nào lên UNESCO?

Theo thông báo chính thức của UNESCO, năm 2017, Việt Nam sẽ có 2 hồ sơ được UNESCO thẩm định trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là di sản Nghệ thuật  Bài chòi và di sản Hát Xoan ở Phú Thọ. Theo kế hoạch, trước 30/3/2017, Việt Nam sẽ đệ trình hồ sơ Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam để xét vào năm 2018.

Cách thức UNESCO xét duyệt một di sản văn hóa phi vật thể như thế nào?

UBLCP Công ước 2003, UNESCO gồm 24 thành viên của các quốc gia phê chuẩn Công ước, là cơ quan có thẩm quyền cuối cùng vinh danh hay không vinh danh một di sản văn hóa phi vật thể. Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể mà các quốc gia thành viên đệ trình UNESCO được Ban thư ký xem xét về mặt kỹ thuật (số từ cho phép, độ phân giải của ảnh và chất lượng phim…) và các sản phẩm nộp có đầy đủ hay không. Sau khi đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật, các hồ sơ được xét duyệt hàng năm (tổng số 50 hồ sơ của các quốc gia thành viên) được gửi cho các thành viên trong Ban Thẩm định xem xét, đánh giá theo các yêu cầu và tiêu chí của UNESCO. Sau đó, UNESCO tổ chức cuộc họp tại Paris để các thành viên thảo luận từng hồ sơ, từng tiêu chí, thống nhất kết quả thẩm định và chuẩn bị báo cáo khuyến nghị cho Ủy ban Liên chính phủ về việc các di sản có đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hay không.  Tại  Phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ, Công ước 2003 hàng năm, Ủy ban này sẽ chính thức thông qua việc vinh danh các di sản. 

Ở vị trí mới này, bà sẽ hỗ trợ được gì cho các hồ sơ Di sảnVHPVT của VN đệ trình UNESCO?

Ở vị trí mới này, với tư cách là một chuyên gia của VN do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến cử, trước hết tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chuyên gia thẩm định hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia theo quy định và thẩm quyền được giao. Ngoài ra, với sự hiểu biết đầy đủ và đối thoại với các chuyên gia, với các quốc gia thành viên Công ước 2003, tôi sẽ tư vấn và hỗ trợ được nhiều hơn trong việc xây dựng hồ sơ quốc gia của VN để đảm bảo các hồ sơ có chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chí của UNESCO.

Xin cảm ơn bà.

MỚI - NÓNG