'Kinh đô thời trang' của giới hầu đồng

TP - Trong tiếng hát ngân nga, tiếng nhạc xập xình, các thanh đồng tươi tắn nhảy múa lắc lư và lần lượt thay hàng chục bộ xiêm y xanh đỏ trắng vàng rực rỡ, lấp lánh. Ít ai biết, những bộ trang phục được may công phu, tỉ mẩn ấy do chính bàn tay những người thợ thêu làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội) làm nên.

Từ long bào của vua đến khăn áo hầu đồng

Bắt đầu đi qua cổng làng Đông Cứu, sẽ thấy hai dãy nhà bên đường treo chi chít bảng hiệu may thêu khăn chầu áo ngự. Chị Trần Thị Mai, cán bộ văn hóa huyện Thường Tín tự hào bảo với tôi: “Nếu có người muốn phục chế long bào cho vua hay áo thờ cho thành hoàng, chỉ có địa chỉ duy nhất là Đông Cứu. Hoặc muốn thêu một bộ khăn chầu, áo ngự để hầu đồng thì cũng không đâu làm đẹp hơn làng nghề này. Đó là vì nơi đây vẫn giữ nguyên những kỹ thuật thêu cổ, từ hàng trăm năm trước mà không đâu có được”.

'Kinh đô thời trang' của giới hầu đồng ảnh 1

Trước khi trở thành “kinh đô thời trang” của giới hầu đồng, ngôi làng nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ này vốn nổi tiếng bởi nghề thêu long bào, áo mão cho quan chức, quý tộc các triều vua phong kiến ở Việt Nam. Cùng với sự phát triển của lịch sử, nghề thêu long bào dần mất đi, hầu như người dân chuyển sang làm hàng thị trường, những sản phẩm thêu phục vụ lễ hội như hia, hài, lọng, tán, đặc biệt là trang phục hầu đồng.

Để tạo nên một buổi hầu đồng thành công, không thể không nhắc đến trang phục hầu đồng. Trang phục, trang sức đẹp góp phần làm cho người nhập “bóng Thánh” và những người tham dự nghi lễ phấn khích, hào hứng hơn. Dân gian truyền lại có 36 giá đồng tương ứng với 36 vị Thánh nên sẽ có 36 bộ trang phục dành cho các giá đồng.

Chị Mai cũng cho biết, các bộ trang phục này rất phong phú nhưng có quy định chặt chẽ về kiểu cách, màu sắc và phục sức đi kèm. Có vị xuất tích từ miền Nhạc phủ (rừng xanh) như Cô Bé Thượng Ngàn mặc trang phục màu xanh của người dân tộc, trong khi Cô Đôi Cam Đường lại mặc trang phục áo tứ thân, đeo quang gánh của phụ nữ người Kinh. Trang phục Chầu Đệ Tam với khăn áo màu trắng cầm quạt trắng lắp lánh đầy uy nghi. Trang phục Ông Hoàng lại luôn được thêu rồng và có màu vàng tượng trưng cho sự tối cao, quyền quý.

Những thợ thêu là người am hiểu về các họa tiết nhất, từ việc vảy rồng sẽ khác vảy cá như thế nào, đi kèm với rồng là mây và những chấm tròn có độ to nhỏ khác nhau ra làm sao... “Thường có 5 màu cơ bản là xanh, đỏ, trắng, vàng, lam. Ngoài ra, khi cần màu sắc khác, các thợ thêu sẽ tự nhuộm chỉ”- ông Nguyễn Thế Du (sn 1965), một thợ thêu lành nghề ở làng cho biết. Gia đình ông chuyên sử dụng cách nhuộm tự nhiên, dùng vỏ cây đun lấy nước rồi cho vào bát trắng để đánh giá màu sắc đã đạt chưa, sau đó cho chỉ vào nhúng khoảng 10 phút thì vớt ra.

'Kinh đô thời trang' của giới hầu đồng ảnh 2

Những đường kim mũi chỉ tinh xảo của thợ thêu làng Đông Cứu đã giúp cho các trang phục hầu đồng trở nên đặc sắc hơn. Ảnh: Nhã Khanh.

Còn anh Vũ Văn Giỏi (SN 1969), nghệ nhân nhân dân duy nhất ở làng, thì khi phục chế trang phục cung đình, anh đã dùng sợi tơ nhúng vào nước sôi nhuộm nghệ để có được màu sắc và chất lượng như mong muốn.

Người Đông Cứu rất khéo, chỉ cần vẽ phác những đường mẫu trên vải bằng phấn mờ là người thợ có thể cầm kim thêu. Mỗi một bản vẽ mẫu có linh hồn riêng, thể hiện bản sắc, phong cách riêng của từng người thợ. Bà Nguyễn Thị Len, người đã gần 30 năm gắn bó với nghề thêu nhận định: “Cái để phân biệt giữa gia đình này và gia đình khác là mẫu vẽ. Cùng là một sản phẩm nhưng có người vẽ thế này, có người tinh ý thì lại vẽ được chi tiết hơn”.

Cũng theo bà Len, các mẫu thường có quy luật của nó, ví dụ như vẽ áo cho năm hàng quan, ba hàng ông hoàng, hai giá cậu và một giá quan nhà Trần cho các đền Mẫu thì bắt buộc phải vẽ rồng. Còn các giá như áo chầu, áo mẫu, áo chúa Thác Bờ… thì phải vẽ phượng. Đồng thời, các áo phượng thường điểm hoa còn các áo vẽ rồng thì điểm mặt nguyệt. Nếu người vẽ mà không nắm bắt được những quy luật trên thì sản phẩm làm ra sẽ rất khó tiêu thụ.

Đối với những tay thợ giỏi, trên sản phẩm thêu bao giờ cũng phải đảm bảo nghiêm ngặt chân mũi chỉ đều đặn, cánh chỉ quyện, đường thêu mềm mại. Khi thêu người thợ phải làm sao bắt nét thật nhịp nhàng vào sợi kim tuyến, chưa kể các sợi kim tuyến đều là vàng thật nên công việc bắt nét còn khó khăn hơn.

Là một chuyên gia về thêu phục chế trang phục cung đình, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cho biết, với những người thợ dùng lối thêu xưa buộc phải theo một quy định chặt chẽ: các mũi thêu phải theo một chiều nhất định, tiêu chuẩn của mỗi mũi thêu không dài quá 3mm. Có những mũi như bấm, đột hay lại mũi thì mỗi mũi thêu chỉ dài 1mm.

Thêu giày, hài phục vụ hầu đồng cũng phải tỉ mỉ như thêu áo. Theo chị Tạ Thị Duyên, chủ cơ sở thêu truyền thống Nhận Duyên, để làm cốt của hia phải dùng gỗ vông và giấy bạc. Sau đó sơn trắng, chống thấm, làm lót bằng da. Vải dệt bằng đay và gai để tạo độ cứng. Để làm mũ thì phải tìm lông đuôi ngựa. Làm tàn lọng phải làm được khung tre tốt, sau đó căng tấm vải thêu rồng phượng lên.

'Kinh đô thời trang' của giới hầu đồng ảnh 3

Nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi đang hướng dẫn thợ thêu một số kỹ thuật thêu truyền thống.

Sắm nhà lầu, xe hơi từ khăn chầu áo ngự

Những năm qua khi tín ngưỡng Tứ phủ được quan tâm, khôi phục cũng chính là điều kiện cho nghề thêu Đông Cứu phát triển. Chủ xưởng thêu Nhận Duyên chia sẻ: “Hai năm gần đây, người ta mua nhiều đồ hầu đồng lắm, nhất là 3 tháng lễ hội đầu năm. Họ mua cả nghìn quả áo, có cả Việt kiều và các ông Tây xếp hàng mua. Xưởng nhà mình hơn 20 người nhưng vẫn làm không kịp để bán, từ giờ đến tháng 2 sang năm đã kín đơn đặt hàng”.

Chị Duyên cho biết thêm, dù công nghệ thêu bằng máy đã phát triển nhưng nghề thêu tay vẫn là thế mạnh ở Đông Cứu. Hài thêu tay có giá từ 800 nghìn - 1 triệu đồng. Áo hầu thêu thủ công hoàn toàn có giá từ 4 triệu- 10 triệu, đắt gấp chục lần áo thêu máy. Áo có chất lượng cao thì lên tới hàng trăm triệu, phục chế long bào có thể rơi vào tiền tỉ.

Những người thợ thêu theo thời vụ được trả 15 ngàn đồng/giờ, ngày làm 8 tiếng. Trước đây, làng có khoảng 200 mẫu ruộng, mỗi năm bình quân thu được 400-500 tấn thóc, bán đi giá thành không bằng 1/4 thu nhập làng nghề thêu. Do vậy, trong làng, hầu như nhà nào cũng có người làm thêu.

“Không như nghề khác phải cần mẫn chuyên về một mối, làm thêu vẫn có thể kết hợp cấy lúa, trồng rau, nuôi lợn. Lúc nông nhàn, đi thêu thuê ở các xưởng trong làng, túc tắc cũng kiếm thêm 3- 4 triệu đồng mỗi tháng, đủ chi tiêu cho hai vợ chồng. Nói chung làm thêu thì có việc đều quanh năm, lại không phải ra đường vất vả”- bà Nguyễn Thị Thụy (SN 1968)  chia sẻ.  Sau bao năm gắn bó với nghề, nuôi con đi học nước ngoài, bà Thụy vẫn say mê đường kim mũi chỉ.

Quen tay quen nghề, bà Nguyễn Thị Len năm nay gần 70 tuổi nhưng vẫn đều đặn ngày 8-9 tiếng bên khung thêu. Em Nguyễn Thị Lan Anh (học sinh lớp 11, THPT Tô Hiệu, Thường Tín) được mẹ truyền nghề từ năm lớp 4. Ngoài giờ học lại tranh thủ nhận hàng thêu, phụ giúp gia đình. “Ở làng, trẻ em 13-14 tuổi đã bắt đầu học thêu. Người nhanh nhẹn thì sau vài tháng sẽ biết thêu, sau 3-5 năm sẽ trở thành thợ thêu giỏi”- Lan Anh cho biết.

Làng Đông Cứu hiện có 14 người mở xưởng thêu tại nhà. Mỗi xưởng có khoảng 10-20 thợ thêu. Một số gia đình làm sẵn các mẫu áo và bán ra Hàng Quạt (Hà Nội). Còn phần lớn các hộ khác đều làm theo đơn đặt hàng. Mỗi bộ áo hầu đồng được thêu trong khoảng 15-20 ngày, bộ cầu kỳ có thể mất tới vài tháng. Mỗi đôi giày đơn giản cũng phải mất vài ngày để hoàn thành. Sản phẩm phục chế có thể mất từ 5 - 7 tháng, thậm chí hàng năm trời để hoàn thiện.

Nghề thêu ở Đông Cứu được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Theo ông Nguyễn Đắc Bảy (Thành viên Hiệp hội nghề thêu Đông Cứu), hiện trong làng có khoảng 20 thợ giỏi có khả năng dạy nghề. Bên cạnh việc dạy thêu cho những người trong làng, Hiệp hội còn tổ chức dạy nghề cho những người khuyết tật và đang phối hợp với xã để xây dựng một giáo trình giảng dạy về nghề thêu.

Nói về hướng phát triển của làng Đông Cứu, chị Trần Thị Mai cho biết: “Làng Đông Cứu là nơi duy nhất may thêu trang phục hầu đồng ở Việt Nam hiện nay. Nghề mang lại thu nhập ổn định, thậm chí nhiều nhà mua được xe hơi, nhà lầu cũng từ nghề thêu.

Giữa tháng 11 vừa qua, nghề thêu Đông Cứu được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Hầu đồng cũng mới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Đó là sự động viên, khích lệ để người Đông Cứu vững tin giữ gìn nghề quý cha ông để lại. Hàng năm, thành phố và huyện vẫn mở lớp tại Hiệp hội nghề thêu của làng, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho hàng trăm thợ thêu. Tương lai, chúng tôi cũng muốn phát triển du lịch từ làng thêu này”.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.