Lấy đâu ra 25 tỷ USD làm đường sắt đô thị ở TPHCM?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TPHCM cần phải thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỷ USD cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị trong vòng 4-5 năm tới (chậm nhất vào năm 2028).

Thông tin trên được nêu ra tại Tọa đàm “Kết luận 49 và Nghị quyết số 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TPHCM” do Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức vào chiều 31/7.

200 km đường sắt đô thị trong 12 năm

Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TPHCM.

Về quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị TPHCM gồm 8 tuyến đường sắt đô thị (MRT); 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (LRT). Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TPHCM khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỷ USD.

Ông Hoàng Ngọc Tuân - Quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị Đầu tư thuộc Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, trong 20 năm, TPHCM mới làm được gần 20 km đường sắt đô thị (tuyến metro số 1). Như vậy, TPHCM phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại (khoảng 200 km) trong 12 năm tới. Trong đó, công tác chuẩn bị dự án từ 4 - 5 năm và thực hiện dự án trong vòng 7 - 8 năm.

Lấy đâu ra 25 tỷ USD làm đường sắt đô thị ở TPHCM? ảnh 1

Tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: PHẠM NGUYỄN

TPHCM cần phải thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỷ USD cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị trong vòng 4 - 5 năm tới (chậm nhất là vào năm 2028). Trong khi đó, nguồn lực tài chính thực hiện dự án đường sắt đô thị tại TPHCM hiện nay chủ yếu là vốn vay ODA cùng ngân sách Nhà nước tham gia khoảng 10 - 20%.

Ông Tuân cho rằng, việc đầu tư bằng nguồn vốn ODA càng ngày càng khó khăn do thủ tục, điều kiện vay phức tạp, suất đầu tư cao, phụ thuộc thiết kế, công nghệ... Thành phố hiện đang và sẽ phải đối mặt với áp lực tăng cao của việc trả nợ.

"Cần phải đa dạng hóa nguồn lực tài chính từ ngân sách Nhà nước để thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Nguồn tài chính từ việc đấu giá khai thác quỹ đất theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Bên cạnh đó, thành phố có thể huy động vốn trong nước, vay vốn nước ngoài và phát hành trái phiếu…” - ông Tuân nêu ý kiến.

Lấy đâu ra 25 tỷ USD làm đường sắt đô thị ở TPHCM? ảnh 2

Ông Lê Văn Ninh (người dân ở phường Bình Thọ, TP Thủ Đức) đi thử nghiệm tàu metro số 1 TPHCM vào ngày 21/12/2022. Ảnh: HỮU HUY

Triển khai TOD và phát hành trái phiếu quốc tế

Bà Lê Ngọc Thùy Trang - Tổng giám đốc Công ty đầu tư Tài chính nhà nước TP cho biết, cần thiết phải có bài toán về vốn để thực hiện các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới. Trong đó, với nguồn lực từ ngân sách, có thể huy động thêm nguồn thu từ phát hành trái phiếu.

“Hiện nay, đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế, theo quy định thì chỉ được phát hành trái phiếu Chính phủ. Để đáp ứng được nhu cầu nguồn lực tài chính cho các dự án đường sắt đô thị, chúng tôi đã đề xuất TPHCM nghiên cứu và có cơ chế để phát hành trái phiếu quốc tế nhằm mở rộng huy động nguồn vốn ngoài nước trong trường hợp có cơ hội huy động được nguồn vốn có tính chất ưu đãi”- bà Trang cho hay.

Lấy đâu ra 25 tỷ USD làm đường sắt đô thị ở TPHCM? ảnh 3

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ngoài ra, cũng theo nữ chuyên gia này, nguồn lực tiếp theo có thể huy động là xã hội hóa đầu tư, thu hút các nhà đầu tư cùng tham gia phát triển dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nghị quyết 98 của Quốc hội đã cho phép TPHCM thực hiện thí điểm mô hình TOD. Vì vậy, cần xây dựng chi tiết để triển khai thực hiện ở một số tuyến đường sắt đô thị cụ thể.

Theo đó, các dự án thành phần có thể xem xét để thực hiện theo hình thức PPP, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân cùng tham gia đầu tư vào phát triển hệ thống đường sắt đô thị, chẳng hạn phát triển tổ hợp thương mại khu nhà ga đường sắt đô thị. Từ đó, xem xét cơ chế hợp tác, chia sẻ nguồn thu giữa nhà đầu tư và Thành phố.

“Mô hình TOD như đề cập và vốn ngân sách từ nguồn huy động phát hành trái phiếu sẽ đóng vai trò quan trọng ban đầu để triển khai bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư nhằm tạo quỹ đất sạch để đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị, thương mại dọc tuyến đường sắt theo đồ án thiết kế đô thị và đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, sẽ tăng thêm nguồn thu từ việc gia tăng giá trị đất đai”- bà Trang đề xuất.

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, buổi tọa đàm nhằm tiếp thu, đón nhận những chia sẻ, góc nhìn từ các chuyên gia, nhà quản lý, qua đó điều chỉnh, phát triển các giải pháp đề xuất tới lãnh đạo Thành phố phù hợp hơn, chất lượng hơn.

"Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM sẽ phối hợp với các đơn vị, sở, ban ngành thành lập tổ xây dựng Đề án triển khai Kết luận 49 do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng. Đề án này sẽ được báo cáo lên Bộ Chính trị và Quốc hội, nhằm đưa ra các đề xuất để đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nguồn vốn, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, tiến độ thi công,…Đó sẽ là cơ sở cho việc hoàn thành nhanh mục tiêu của Kết luận 49 đối với đường sắt đô thị TPHCM”- ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết.

MỚI - NÓNG