Lả lơi!

Lả lơi!
TP - Trung Quốc và Pakistan có vẻ đều thấy cái chết của thủ lĩnh al-Qaeda, bin Laden, là cơ hội tốt để củng cố mối quan hệ song phương mà theo như bình luận của một chuyên gia phương Tây, là có “hơi hướng chống Mỹ”.

Pakistan muốn chơi quân bài Trung Quốc, còn Hoa lục thì muốn mở rộng lợi ích quốc gia, dù biết có thể việc này mang lại nhiều hệ lụy.

Đó là nhận định của một bài báo với tựa đề khá mạnh mẽ "Trung Quốc đang nuôi dưỡng bất ổn", đăng trên tờ Wall Street Journal (Mỹ) mới đây.

Tác giả Dan Blumenthal viết: “Phản ứng của Islamabad về cái chết của bin Laden là có thể hiểu được. Ai cũng rõ đặc nhiệm Mỹ hoạt động trên đất Pakistan như chỗ không người. Vì vậy, lãnh đạo nước này buộc phải lên tiếng cáo buộc Mỹ vi phạm chủ quyền, thậm chí ngay cả khi chứa chấp khủng bố thì Pakistan cũng rơi vào tình trạng mất chủ quyền”.

Thêm một lý do nữa để Pakistan ngả về hướng Trung Quốc: đang có những tiếng nói từ Washington đòi xem xét lại tổng thể mối quan hệ với Islamabad, gồm cả những điều khoản về viện trợ, đang được coi là hậu hĩ.

Và có vẻ để hút Mỹ trở lại, Pakistan đã dùng đến cách mà hầu như mọi cô gái trên trái đất này đều làm hòng kéo người tình trở về với mình: quay qua lả lơi với người thứ ba.

Với lá bài Trung Quốc trên tay, Pakistan được đảm bảo một đồng minh, vừa có thể hỗ trợ trong các vấn đề quốc tế lại vừa có thể cung cấp vốn làm ăn.

Tất nhiên là trong cuộc gặp tại Bắc Kinh mới đây, thủ tướng Yousuf Gilani đã dùng những lời có cánh khen ngợi Hoa lục. Trung Quốc được mô tả là người bạn trong mọi thời tiết, không giống như ai kia.

Trong chuyến đi này, Pakistan cũng được đảm bảo về hợp đồng 50 chiến đấu cơ đa nhiệm JF-17do Trung Quốc sản xuất. Bắc Kinh là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Islamabad tính đến thời điểm này, trong lúc láng giềng của Pakistan là Ấn Độ vừa từ chối hai đơn hàng chiến đấu cơ từ Mỹ. Với hợp đồng 50 chiếc JF-17, Pakistan chứng minh mối quan hệ của Islamabad và Bắc Kinh bền vững hơn quan hệ Washington - New Delhi.

Nhưng đổi lại, Trung Quốc sẽ được gì?

Có ngay kết quả: Bắc Kinh sẽ điều hành một hải cảng có vị trí chiến lược ở Gwadar, Pakistan. Đây là điều mà cả Mỹ và Ấn Độ đều không mong muốn. Cảng Gwadar cho phép hải quân Trung Quốc mở rộng hoạt động ở Ấn Độ Dương. Sau khi được hoàn thiện, cảng nói trên sẽ là trạm trung chuyển, hậu cần, đảm bảo dòng dầu từ Trung Đông mà Trung Quốc phụ thuộc rất lớn từ bấy nay nhanh chóng được đưa về Hoa lục.

Nhưng đó mới chỉ là lợi ích hữu hình. Một số nhà phân tích cho rằng, đằng sau quan hệ “nồng ấm” với Pakistan là những mục tiêu khác mà những người trong Trung Nam Hải đang nhắm đến.

Thứ nhất, Bắc Kinh muốn dùng Islamabad như một lá bài, khiến Ấn Độ không còn nhiều tâm trí để ý đến khao khát trở thành siêu cường của Trung Quốc. Một Ấn Độ luôn phải để tâm đến mối đe dọa từ Pakistan sẽ không phải là một Ấn Độ có thể cạnh tranh với Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc muốn tham gia cuộc chơi hải quân của các nước lớn bằng cách vận hành các cảng dọc Ấn Độ Dương, đe dọa hải quân Ấn Độ và Mỹ. Tiếp nữa, Trung Quốc muốn Pakistan giúp ngăn chặn làn sóng người Hồi giáo đổ vào biên giới phía tây Hoa lục.

Tuy nhiên, sự nồng ấm bất ngờ bao giờ cũng tiềm ẩn sự đổ vỡ nhanh chóng, khi mục tiêu của các bên đạt được (hay không đạt được). Nếu người tình quay về, cô gái có tiếp tục lả lơi với người thứ ba hay không, có lẽ chỉ trời mới biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG