Chủ tịch Hạ viện Mỹ ‘quay xe’ sẽ khiến ông Trump gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson “quay xe” để ủng hộ dự luật về gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó dành 61 tỷ USD cho Ukraine và 26 tỷ USD cho Israel, cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong đảng Cộng hòa. Điều này có thể gây khó cho ứng viên Donald Trump khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ ‘quay xe’ sẽ khiến ông Trump gặp khó ảnh 1

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson. (Ảnh: AP)

Trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 20/4, dự luật được thông qua với 311 phiếu thuận và 112 phiếu chống. Tất cả thành viên đảng Dân chủ và 101 thành viên đảng Cộng hoà ủng hộ dự luật.

Ông Phạm Phú Phúc, một chuyên gia bình luận quốc tế từng có thời gian dài công tác tại Mỹ và theo dõi các kỳ bầu cử tổng thống, cho rằng điều này cho thấy đảng Cộng hòa bị chia rẽ, phân hóa mạnh. Cựu Tổng thống Mỹ luôn phản đối việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.

“Cuộc bỏ phiếu cho thấy sự ủng hộ của các thành viên đảng Cộng hòa cho ông Trump giảm rõ rệt, điều đó rất nguy hiểm cho ông Trump khi cuộc bầu cử đang đến gần”, ông Phúc nói với PV Tiền Phong.

Gói viện trợ trị giá 95 tỷ USD được đảng Dân chủ trình lên từ lâu, nhưng ông Johnson trì hoãn tổ chức bỏ phiếu do sự phản đối của một bộ phận nhỏ nhưng có tiếng nói lớn trong đảng của ông.

Sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, ông Johnson tuyên bố sẽ không làm như người tiền nhiệm bị phế truất Kevin McCarthy, rằng ông sẽ không bao giờ phục vụ lợi ích của đảng Dân chủ mà chỉ phục vụ đảng của mình.

Thay vì ủng hộ viện trợ cho Ukraine, đảng Cộng hòa đòi tập trung vào nhiệm vụ củng cố an ninh nội địa và siết chặt kiểm soát biên giới với Mexico để ngăn người nhập cư. Hai đảng không nhượng bộ nhau, khiến gói viện trợ bị treo ở Hạ viện suốt thời gian dài.

Dù nói sẽ đứng sang một bên trong cuộc bỏ phiếu ngày 20/4, nhưng bài phát biểu trước đó của ông Johnson cho thấy ông đã thay đổi quan điểm. Ông bày tỏ lo ngại về tình hình ngày càng xấu đi cho Ukraine và lo ngại về ý định của Nga ở vùng Baltic.

Theo ông Phạm Phú Phúc, gói viện trợ làm cho phe Cộng hòa chuyển từ thái cực nọ sang thái cực kia, từ đa số phản đối đến chỉ còn hơn 130 người phản đối, khiến dự luật được thông qua dễ dàng.

“Điều này cũng cho thấy uy tín của ông Trump trong đảng Cộng hòa đã giảm sút mạnh, khiến ông có thể gặp khó khăn trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay, chưa kể 4 vụ án hình sự mà ông đang đối mặt”, ông Phúc nhận định.

Ông cho rằng điều đáng chú ý là những người có vị trí cao nhất ở Mỹ trong đảng Cộng hòa dễ thay đổi lập trường, điển hình là hai Chủ tịch Hạ viện kế tiếp nhau, nói lên rằng đảng này thiếu nhất quán từ đầu đến cuối, từ trên xuống dưới. Điều này có thể là điểm trừ trong con mắt của cử tri khi cuộc bầu cử đang đến gần.

Cũng theo ông Phúc, dự luật được thông qua giống như việc “đổ thêm dầu vào lửa” với cuộc xung đột Nga – Ukraine và Israel – Hamas, rộng hơn là sự đối đầu Israel - Iran.

“Cả ba cuộc xung đột sẽ khiến tình hình khu vực và thế giới bị đẩy lên mức độ nguy hiểm hơn. Không chỉ 95 tỷ USD, thế giới có thể thiệt hại thêm nhiều trăm, thậm chí nhiều nghìn tỷ đô la nếu Israel tấn công mạnh hơn, dẫn đến việc Houthi tấn công nhiều hơn vào tàu thương mại ở Biển Đỏ và Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz”, ông Phúc nói.

Vì sao “quay xe”?

CNN dẫn các nguồn tin cho biết, sau khi trở thành Chủ tịch Hạ viện, ông Johnson bắt đầu nghe trực tiếp từ những người có tiếng nói quan trọng về an ninh quốc gia của đảng Cộng hòa, trong đó có cựu ngoại trưởng của ông Trump - Mike Pompeo. Ông Pompeo đã nhấn mạnh với ông Johnson về sự cấp thiết phải phê duyệt gói hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky trực tiếp thuyết phục ông Johnson. Chỉ vài phút sau khi Hạ viện phê duyệt gói viện trợ hôm 20/4, ông Zelensky gửi lời cảm ơn tới các nghị sĩ Mỹ, đặc biệt là ông Johnson, vì quyết định “giúp lịch sử đi đúng hướng”.

Gần đây, ông Johnson nhận được báo cáo tình báo tóm tắt từ Giám đốc CIA Bill Burns, trong đó đưa ra nhận định bi thảm về chiến trường Ukraine và cảnh báo về hậu quả nếu Mỹ không hành động.

Các nguồn tin cho biết, báo cáo khiến ông Johnson tin rằng ông đang gánh trên vai số phận của nền dân chủ phương Tây.

Một yếu tố khác mà các nguồn tin cho biết đã góp phần khiến ông Johnson thay đổi quan điểm: Con trai lớn của ông gần đây được nhận vào Học viện Hải quân.

“Nói một cách thẳng thắn, tôi thà gửi đạn tới Ukraine hơn là các chàng trai Mỹ. Con trai tôi sẽ bắt đầu vào Học viện Hải quân vào mùa thu này. Đây là một cuộc tập trận bắn đạn thật đối với tôi cũng như rất nhiều gia đình Mỹ. Đây không phải trò chơi, không phải là trò đùa”, ông Johnson nói với các phóng viên khi đó.

MỚI - NÓNG