Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường ảnh 1

Một nhân viên của Ukrainian Armor tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)

Các chủ sở hữu cho biết, họ tự bỏ tiền để duy trì hoạt động và chuyển địa điểm để tránh bị tình báo Nga phát hiện. Các doanh nghiệp đang thúc giục chính phủ cắt giảm thủ tục quan liêu trong mua bán vũ khí. Một số doanh nghiệp còn muốn được phép xuất khẩu, vì cho rằng chính phủ không thể mua toàn bộ sản phẩm của họ.

Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin cho biết, sản lượng tiềm năng hằng năm của tổ hợp công nghiệp quân sự nước này hiện ở mức 18-20 tỷ USD. Ông nói với Reuters rằng vì đang thiếu tiền mặt, chính phủ chỉ có thể tài trợ khoảng 1/3 trong số đó.

Ukraine nhận được khoảng 120 tỷ USD viện trợ quân sự từ các đồng minh trong suốt cuộc xung đột, nhưng chủ yếu dưới dạng vũ khí và khí tài chứ không phải tiền mặt.

“Chúng tôi đang có cuộc chiến lớn nhất của thế hệ… Ví dụ, nếu bạn nhìn vào đạn pháo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), năng lực sản xuất của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của chúng tôi”, ông Kamyshin nói với Reuters.

Nhiều doanh nghiệp quốc phòng lớn của Ukraine lâm vào khó khăn sau khi Liên Xô tan rã. Giờ đây, cuộc xung đột khiến ngành sản xuất vũ khí tư nhân hồi sinh. Theo số liệu của Bộ Công nghiệp chiến lược, số lượng hãng sản xuất quốc phòng ở Ukraine tăng hơn gấp đôi kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt.

Hiện có khoảng 400 doanh nghiệp vũ khí tư nhân ở Ukraine, trong khi số doanh nghiệp vũ khí quốc doanh là khoảng 100, nhưng doanh nghiệp nhà nước vẫn có năng lực sản xuất lớn hơn.

Trước tình trạng thiếu tiền mặt, Ukraine đang khẩn cầu các đối tác nước ngoài tài trợ cho ngành sản xuất quốc phòng. Ngày 16/4, Đan Mạch đã đưa ra cam kết đầu tiên trị giá 28,5 triệu USD.

Quan liêu

Một số nhà sản xuất cho biết họ đang gặp khó khăn về vốn, do quy trình mua sắm của chính phủ mà họ phàn nàn là chậm và rườm rà.

Vladyslav Belbas, Giám đốc điều hành của Ukrainska Bronetekhnika (Ukrainian Armor), một trong số ít hãng sản xuất xe bọc thép và đạn pháo ở Ukraine, cho biết: “Khó khăn đầu tiên mà các nhà sản xuất phải đối mặt là sự quan liêu”, dẫn chứng là Bộ Quốc phòng Ukraine chỉ đặt hàng cho năm hiện tại, khiến các hãng khó có thể lập kế hoạch sản xuất dài hạn.

Bốn nhà sản xuất vũ khí khác nhau cho biết phải chờ đợi hàng tháng để tìm hiểu xem nhà nước có quan tâm đến việc mua sản phẩm hay không, và không có sự đảm bảo nào về doanh số bán hàng trong tương lai để giúp họ lên kế hoạch sản xuất.

Một nguồn tin trong Chính phủ Ukraine cho biết, đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này không được phân bổ đồng đều.

"Mọi người đều muốn đầu tư vào những thứ mới như máy bay không người lái, nhưng không ai muốn làm những thứ khó như đạn pháo", nguồn tin cho biết.

Một cách để kiếm tiền mặt là cấp phép cho các công ty xuất khẩu những sản phẩm chính phủ không mua hoặc không có tiền để mua.

Tuy nhiên, ông Kamyshin cho biết điều này không khả thi, vì không được ủng hộ về chính trị.

Ngoài khó khăn tài chính, ngành sản xuất vũ khí của Ukraine cũng gặp phải nhiều rủi ro.

Một nhà máy chính của Ukrainian Armor, nơi sản xuất các loại xe bọc thép và súng cối, đang chuẩn bị chuyển địa điểm đi nơi khác.

Lãnh đạo nhà máy cho biết lý do là họ cần tuyển thêm nhân viên và cũng muốn tìm nơi khó bị phát hiện hơn. Một số hãng sản xuất vũ khí Ukraine phải chuyển địa điểm 3 tháng 1 lần.

Một vấn đề khác mà họ phải đối mặt là mất điện, khi mạng lưới điện của Ukraine liên tục bị Nga tấn công mà Ukraine sắp hết tên lửa phòng không để bảo vệ bầu trời của mình.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG