Không thi, vì sao?

TP - Sau 1 năm cả nước thực hiện việc cấm thi tuyển sinh vào lớp 6 (tất nhiên chỉ đối với các trường chất lượng cao, trường chuyên), trước mùa tuyển sinh năm nay thấy nhiều bất cập bắt đầu lộ diện.

Có thể lấy ví dụ từ hai ngôi trường nổi tiếng ở hai đầu đất nước. Hà Nội có trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, TPHCM có trường chuyên Trần Đại Nghĩa đều là những ngôi trường mơ ước của nhiều thế hệ học sinh giỏi. Tỷ lệ chọi vào hai trường này rất cao, đề thi rất khó, trường chuyên Hà Nội – Amsterdam khoảng 4200 lấy 200, còn chuyên Trần Đại Nghĩa 4400 lấy 600 em.  Bất cập ở chỗ, trong khi trường chuyên Hà Nội – Amsterdam chấp hành không thi, chỉ xét tuyển qua hồ sơ thì chuyên Trần Đại Nghĩa lại “đánh giá năng lực qua tiếng Anh”, thực chất vẫn là thi.

Ghi nhận của phóng viên tại TPHCM cho thấy, các lò luyện thi vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa đang nóng hầm hập, cuộc đua “dùi mài kinh sử” của các sĩ tử đang vào giai đoạn nước rút. Giá ôn luyện của các lò này cũng không hề rẻ. Ngược lại vì không phải thi nên các lò luyện thi tại Hà Nội nay đã nguội lạnh. 

Thế nhưng, vẫn theo ghi nhận của phóng viên tại Hà Nội, cuộc đua ngầm của các bậc phụ huynh lại nóng bỏng không kém các lò luyện thi trong TPHCM. Nói như PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng Trường Lương Thế Vinh, đó là “chạy chọt bằng mọi cách để có bằng được giấy khen của một cuộc thi nào đó”, bởi với hàng ngàn hồ sơ mà chỉ lấy có vài trăm em trường phải ưu tiên cả học sinh đạt giải văn hóa, văn nghệ, con gia đình chính sách…

Như vậy, vấn đề là ở chỗ: Nếu thi thì vấn nạn “dạy thêm, học thêm” và lò luyện mọc lên như nấm, còn xét tuyển hồ sơ thì lại tòi ra “cuộc đua” chạy chọt giải thưởng, bằng khen giữa các phụ huynh. Nói cách khác, cuộc đua giữa các học sinh với nhau sẽ có nguy cơ bị thay thế bằng cuộc đua giữa các bậc phụ huynh ? Đó chắc chắn là điều không hề mong muốn của Bộ GD-ĐT và của toàn xã hội!

Suy cho cùng, để chọn được 200 trong số 4200 ở Hà Nội, hay 600 trong số 4400 học sinh ở TPHCM, không có cách nào công bằng và khoa học hơn là thi cử. Bản thân thi cử không hề có lỗi, xin đừng vì những hệ lụy phát sinh từ thi cử mà loại bỏ thi cử!

Hãy nhớ lại sự thành công của hệ thống các trường chuyên toán ở miền Bắc từ những năm 70 của thế kỷ trước, rồi các trường chuyên trên toàn quốc sau này, đều có từ cấp 2 và được tuyển chọn qua thi cử rất nghiêm túc. Nay không hiểu vì lý do gì, các trường chuyên từ bậc THCS lại không được phép tồn tại?

MỚI - NÓNG