Bộ GD&ĐT lại muốn học sinh, giáo viên thành “chuột bạch”?

TP - Cả tuần nay, dư luận “dậy sóng” với chủ trương xét tuyển mới của Bộ GD&ĐT. Ban đầu, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh cho biết cả nước là một nhóm xét tuyển.

Nhưng một số trường không đồng ý với chủ trương này cộng với việc còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ nên chiều 12/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga buộc phải đăng đàn. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định Bộ chỉ cung cấp phần mềm “lọc” thí sinh ảo còn các trường hoàn toàn tự nguyện có tham gia hay không.

Không biết phần mềm “lọc” của Bộ GD&ĐT hiệu quả đến đâu nhưng bài học năm 2015 vẫn còn. Ban đầu, Bộ GD&ĐT định “ôm” trọn gói dữ liệu điểm của thí sinh trên toàn quốc nhưng sát ngày công bố điểm, thấy tình hình có vẻ không ổn, Bộ liền chia cho 8 trường tổ chức cụm thi ĐH công bố đồng thời với Bộ. 

Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống mạng của Bộ và của 8 trường này đã “chết lâm sàng” vài tiếng đồng hồ. Thí sinh, phụ huynh được phen hoảng loạn. Chính vì vậy, dư luận không khỏi nghi ngại khi đặt câu hỏi, liệu năm nay “vết xe đổ” đó có lặp lại?

Đó chưa kể, kỳ thi THPT quốc đang đến gần, tâm lý của thí sinh, phụ huynh cần được ổn định, tránh mọi xáo trộn. Một cô giáo tại TPHCM đã gửi tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT 8 thỉnh cầu. Trong đó, yêu cầu thứ hai của cô là: Xin Bộ trưởng chấm dứt nỗi lo sợ cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh nữa bởi sự thay đổi liên tục trong giáo dục, đặc biệt là trong thi cử. Hãy cho chúng tôi sự yên lòng. 

Đừng có năm nay thi kiểu này, năm sau thi kiểu khác. Dạy học theo “Nghiên cứu bài học” chưa đâu vào đâu lại chuyển sang “Tích hợp liên môn”, rồi phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Liệu sau đó có còn phương pháp “nhào bột”, “làm bánh” nữa hay không? 

Mà tất cả những thay đổi ấy, bộ chỉ phán một cách chung chung về lý thuyết, còn nữa là giáo viên tự bơi, và mỗi nơi bơi một kiểu, có nơi bơi được có nơi bị chìm”. Một phụ huynh khi trả lời Tiền Phong cũng mong muốn chính sách thi cử ổn định vài năm thì sẽ tốt hơn.

Trước đó, năm 2014, kết thúc kỳ thi tuyển sinh 3 chung, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định trước báo chí sẽ giữ ổn định kỳ thi tuyển sinh 3 chung đến năm 2017. Thời gian từ 2014 - 2017 các trường phải chuẩn bị phương án tuyển sinh riêng để đến năm 2017, các trường tự tuyển sinh theo phương án của mình. 

Thế nhưng, đầu năm 2015, Bộ GD&ĐT đã quay một trăm tám mươi độ: bỏ kỳ thi 3 chung, quyết định thực hiện kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Chưa dừng lại, cũng trong năm 2015, Bộ GD&ĐT có thêm quy định cho phép thí sinh được rút ra, nộp vào hồ sơ, thay đổi chọn trường trong nguyện vọng 1. 

Thế nên, những ngày cuối của đợt xét tuyển, cả xã hội căng mình lên để xem thí sinh di chuyển vòng tròn quanh các trường ĐH. Thậm chí đến ngày cuối, phụ huynh và thí sinh nộp hồ sơ mà như lên sàn chứng khoán. Những bức xúc của dư luận đã khiến Chính phủ phải có chỉ đạo, yêu cầu Bộ GD&ĐT khắc phục ở những đợt xét tuyển sau.

Đến năm 2016, những tưởng mọi thứ sẽ xuôi chèo mát mái. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành quy chế thi, quy chế xét tuyển, những điều cần biết đã được ban hành. Nhưng đến đầu tháng 5, khi chỉ còn cách kỳ thi chưa đến 2 tháng thì Bộ GD&ĐT lại có ý định thay đổi. Tuy nhiên, rất may, trước phản ứng của dư luận, Bộ đã có những điều chỉnh kịp thời.

Thiết nghĩ, giáo dục và y tế là hai lĩnh vực rất nhạy cảm. Bởi ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân, từng gia đình. Do đó, mọi sự thay đổi cần phải có sự chuẩn bị chu đáo và cần thời gian. Bộ GD&ĐT không thể biến học sinh của mình, giáo viên của mình lúc nào cũng là “chuột bạch” để thí điểm cho chủ trương này, chính sách kia.

MỚI - NÓNG