Đã có quá nhiều ví dụ về chuyện hàng nông sản Việt Nam “dội chợ”từ thị trường Trung Quốc liên quan đến chuyện xuất khẩu tiểu ngạch: vải, dưa hấu, dừa, xoài…
Và nay là thịt lợn. Các doanh nghiệp, đầu nậu xuất khẩu lợn sang Trung Quốc cho biết giữa Việt Nam với Trung Quốc chưa ký kết hiệp định liên quan đến việc xuất khẩu động vật và các sản phẩm liên quan theo dạng chính ngạch. Do vậy, các hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đều là bất hợp pháp.
Mặc dù thế, trong gà thải loại, giống gà kém chất lượng từ Trung Quốc vẫn vào được Việt Nam với số lượng đáng kể, thì lợn thịt của nông dân Việt lại gặp khó khi vào thị trường Trung Quốc. Người dân đua nhau tăng đàn, vỗ béo lợn cho nhiều mỡ để bán cho thương lái Trung Quốc để rồi đến lúc họ bất chợt ngừng mua, chỉ biết “khóc ròng”. Vì sao đã có quá nhiều bài học nhưng câu chuyện rất cũ này cứ vẫn lặp đi lặp lại?
Có thể nói rằng, nguyên nhân có rất nhiều, đến từ nhiều phía. Nhưng chung quy lại là do chính chúng ta đang tự làm khó mình. Có thể vì nhiều lý do, khách quan và chủ quan, Việt Nam chưa ký kết (được) thỏa thuận mua bán xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm hay các sản phẩm liên quan.
Nhưng vì sao phía Trung Quốc luôn trả lại lợn họ cho là không đạt yêu cầu, sẵn sàng đột ngột ra lệnh ngừng nhập khẩu trái vải vì một số lý do nào đó, trong khi hàng kém chất lượng của họ dễ dàng được tuồn vào Việt Nam?
Đầu tiên phải nói đến việc các cơ quan phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại của Việt Nam đã không làm tốt việc của mình. Không nên suy nghĩ theo kiểu“thuyết âm mưu” với những thế lực nào đó đang nỗ lực phá hoại thị trường Việt Nam để biện minh. Bởi thương trường cũng như chiến trường. Anh yếu kém sẽ bị người khác lợi dụng, đó là điều tất yếu.
Mua bán tiểu ngạch, không có hợp đồng, nên chuyện mang vải, xoài, lợn thịt và nhiều loại nông, lâm thủy sản khác lên biên giới để rồi bị ách, bị chặn, bị ép giá, chúng ta không thể trách được ai khác. Cũng không thể nói người nuôi lợn tham lam nên đổ xô tăng đàn, vỗ béo để tỷ lệ mỡ cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc. Bởi đã làm ăn ai chẳng muốn sinh lời, có mối mua hàng ai chẳng muốn giữ.
Nhưng trong khi nông dân vẫn tiếp tục làm ăn nhỏ lẻ, sự liên kết vẫn còn lỏng lẻo, trong khi các hiệp hội sản xuất chưa thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối, các cơ quan chức năng dường như vẫn chưa thực sự có biện pháp hữu hiệu đảm bảo lợi ích của người sản xuất trong nước.
Xúc tiến các thỏa thuận song phương liên quan, đảm bảo mua bán qua biên giới có hợp đồng là việc cần thiết và trong trường hợp chưa thể ký kết vì lý do khách quan, cũng cần có những biện pháp cảnh báo hữu hiệu, hạn chế những rủi ro trong hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch với Trung Quốc hiện nay.