Có điều gì khiến những người có trách nhiệm dễ dàng đồng ý với phương án của một doanh nghiệp. Phương án mà nhiều người có lý do để lo sợ tới sự tận diệt dòng sông Mẹ. Có thể hình dung hàng loạt đập thủy điện ngăn dòng sẽ khiến vùng hạ du trơ đáy, có nguy cơ bị nước mặn xâm thực như hạ nguồn sông Mê Kông mới xảy ra. Việc khơi dòng, tận thu cát sỏi dưới lòng sông sẽ thay đổi hệ sinh thái… Những việc này, bộ ngành chức năng và địa phương biết không? Chắc chắn họ biết. Đằng sau cái “gật đầu” là hàng loạt lo ngại họ đã liệt kê. Tuy nhiên, chính vì những cái “gật đầu” và cách trả lời nước đôi ấy đã tạo điều kiện cho việc hình thành một văn bản trình Chính phủ (do Bộ KH&ĐT lập).
Hôm qua cuối tuần, những xác cá phơi trắng bè người nuôi trên sông Bưởi (Thanh Hóa). Những con cá phản chiếu gương mặt méo xệch của người nuôi. Dòng sông nào có bạc đãi con người bao giờ. Nhưng chính con người lại đang bạc đãi những dòng sông và tự gây họa cho chính mình.
Có một nghịch lý, những nền văn minh nhân loại được hình thành bên các dòng sông; Để rồi tùy thuộc vào mức độ văn minh của tộc người mà những dòng sông ấy tồn tại hay biến mất. Có một sự thật, những mục tiêu kinh tế đã làm mờ mắt nhiều doanh nghiệp (khiến họ táng tận lương tâm). Khái niệm kinh doanh có trách nhiệm với xã hội, không chỉ là tạo công ăn việc làm, đi từ thiện rầm rộ trên truyền thông, mà chính là bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp FDI bảo vệ môi trường nước họ bằng cách đem những nhà máy ô nhiễm sang nước khác. Những nước nghèo cần công việc, cần ngoại tệ và cần đủ thứ nên trải thảm đỏ (ưu đãi) để “rước” những doanh nghiệp ấy về. Ở nhiều nước văn minh, bộ chuyên ngành như tài nguyên và môi trường lập hẳn những rào cản để bảo vệ. Những nhà máy sửa chữa, đóng tàu biển; nhà máy thép công suất lớn; công nghệ dệt nhuộm…không có cửa để vào đầu tư. Còn ở ta, câu nói của lãnh đạo Tổng GĐ Cty CP Gang thép Thái Nguyên (đơn vị bê bối với dự án 4.500 tỷ đồng đang để cỏ mọc hoang, lại muốn rót từng ấy vốn để triển khai tiếp) thẳng thừng đến đau đớn: “Do ô nhiễm nên nhiều nước không phát triển ngành gang thép nữa, Trung Quốc cũng vậy, nhưng nước mình còn nghèo vẫn phải làm”.
Nhìn cá chết phơi mặt sông Bưởi, nước thối đen ngòm sông Tô Lịch (Hà Nội), giờ đến câu chuyện sông Hồng, lại thấy nể phục người dân Paris (Pháp) cưng nựng, nuông chiều sông Seine. Con sông này nhỏ bé nhưng chứa chất nhiều tình yêu của thị dân kinh đô ánh sáng.
Hẳn không ai muốn đi dọc sông Hồng ngắm những nhà máy thủy điện đang tích nước, lòng sông lở lói vì bị rút ruột tài nguyên, khoáng sản nhằm hoàn tiền cho chủ đầu tư.