Sông Hồng là cái nôi của nền văn minh Việt, là đất sống của người Việt chúng ta nghìn năm nay. Tổ tiên ta dành bao công sức để cải tạo môi trường thiên nhiên, để có nơi phát triển các thế hệ người Việt Nam. Bây giờ đụng chạm vào núi sông, lại đụng chạm đến con sông Hồng đúng là việc tày trời. Nếu không tính toán đầy đủ từ mọi phương diện văn hóa, văn minh, sự sống còn của giống nòi liệu có được bảo đảm? Chưa nói đến phát triển đất nước, việc đồng bằng Bắc bộ bị tác động, không nói về dĩ vãng quá khứ, còn tương lai không biết sẽ ra sao?
“Tôi nghĩ rằng người Việt cổ ở phía Bắc có hai kỳ công lớn lao nhưng ít được nhắc tới là đắp hàng nghìn kilomet đê và đào hàng triệu cái ao. Việc chuyển đất từ chỗ nọ sang chỗ kia, tạo thành những công trình cải tạo thiên nhiên mà không làm cho nó triệt tiêu, ngược lại biến nó thành công cụ thích ứng thiên nhiên thuận lợi. Văn minh người Việt phần lớn đều nằm ở lưu vực sông Hồng. Đề án dựng một loạt đập thủy điện là đụng vào sông Cái (tên gọi khác của sông Hồng), đụng vào sự sống còn của giống nòi, chả có lợi nhuận nào dám đụng vào cả!”.
GS Hoàng Đạo Kính