Siêu thị không chỉ đem đến những tiện lợi mà cao hơn, chúng mở ra một phương thức mua bán mới bên cạnh kiểu cách của những chợ truyền thống, chợ “chồm hỗm” đã tồn tại cả ngàn năm. Sau 1975, siêu thị vắng bóng tại Việt Nam vì nhiều lý do và chỉ đến khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa, các loại siêu thị bắt đầu xuất hiện trở lại đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Và đối với người tiêu dùng, chuyện Metro Việt Nam (tên đầy đủ là Metro Cash& Carry Việt Nam) bị, hay được, doanh nghiệp Thái Lan mua lại, để trở thành Công ty TNHH MM Mega Việt Nam, hay Big C Việt Nam cũng vừa đổi chủ (lại là doanh nghiệp Thái Lan), thì điều đó cũng không quan trọng bằng chất lượng dịch vụ, hàng hóa mà các siêu thị này mang lại. Và nay, không chỉ Big C, Metro, đã xuất hiện thêm nhiều cái tên khác như Lotte, Aeon và dự kiến sẽ còn thêm nhiều “ông lớn” bán lẻ khác đang nhăm nhe nhảy vào thị trường Việt Nam.
“Thực tế Metro, BigC vào Việt Nam 20 năm nay nhưng qua quá trình cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước đã nâng cao hiệu quả hoạt động rất nhiều”, là phân tích của vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Có nghĩa là đâu chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh, từ cung cách bán hàng mới, mà sâu xa ra, cả nền kinh tế cũng có những lợi ích nhất định. Bởi các doanh nghiệp ngoại vẫn phải bán các sản phẩm trong nước chứ không thể bán 100% sản phẩm nhập khẩu, theo lời của vị quan chức nói trên.
Và bên cạnh đó, chúng ta vẫn có công cụ kiểm soát được hoạt động của họ. Trong bối cảnh Việt Nam đã “hòa mạng” thương mại quốc tế, chuyện doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào thị trường nội địa là điều hết sức bình thường.
Các doanh nghiệp trong nước, dù có lợi thế “sân nhà”, “khán giả nhà” nhưng không tận dụng được lợi thế đó thì chỉ nên trách mình mà thôi. Hiện nay, với những hiệp định thương mại, những định chế quốc tế mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia, doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải chấp nhận cuộc chơi, bắt buộc phải đổi mới, thay đổi cung cách phục vụ mới hòng “có phần”.
Có thể có ai đó tỏ ra lo ngại sự “xâm lăng” của hàng hóa nước ngoài hay khả năng thị trường bán lẻ trong nước bị doanh nghiệp nước ngoài “thâu tóm”, nhưng xét ở góc độ khác, đây cũng là động lực để các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị cũng như những người sản xuất hàng hóa trong nước đổi mới và tiếp thu những tiến bộ của thế giới trong hoạt động thương mại, từ khâu sản xuất, cung ứng đến phân phối, lưu thông.
Nền sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo các tiêu chuẩn thương mại sẽ khó có đất để tồn tại. Có thể nói, sớm hay muộn, chợ truyền thống với kiểu buôn bán tùy tiện xưa nay sẽ dần nhường chỗ cho siêu thị. Người nông dân Việt muốn cung cấp hàng cho siêu thị cũng sẽ phải liên kết với nhau và buộc phải sản xuất quy củ, bài bản hơn.
Nói gì thì nói, ở thời điểm hiện tại, siêu thị vẫn chưa thay thế được hoàn toàn chợ truyền thống vì nhiều lý do, trong đó có cả yếu tố tâm lý, thói quen của người tiêu dùng Việt. Và vẫn còn đó cơ hội cho doanh nghiệp nội.