Tức trong vòng 2 năm nữa thôi, số lượng tiến sĩ “vinh quy bái tổ” sẽ tăng vọt gấp rưỡi. Riêng “lò” đào tạo tiến sĩ của học viện KHXH thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, mỗi năm “sản xuất” 350 tiến sĩ, tính trung bình gần 1 tiến sĩ mỗi ngày. Đáng buồn, theo một số chuyên gia trong loạt bài về vấn đề này của Tiền Phong, có tình trạng đua nhau đào tạo tiến sĩ để đáp ứng “quan hệ cung – cầu” chứ không phải do đòi hỏi của thực tiễn khách quan trong nghiên cứu khoa học.
Chừng đó số liệu thôi đủ lý giải vì sao tình trạng “lạm phát” tiến sĩ ở ta mỗi ngày một nóng. Tiến sĩ ngày một nhiều nhưng phát minh sáng chế thiết thực cho cuộc sống xem ra lại ít. Những sáng chế máy công cụ nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi lâu nay hầu hết đều do những người nông dân phát minh ra. Nhiều bạn đọc thốt lên, tiến sĩ nhiều mà cá chết trắng dải đất ven biển miền Trung suốt nửa tháng trời vẫn chưa biết nguyên nhân từ đâu ?
Vậy tiến sĩ đi đâu ? Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT, ngày nay không ít quan chức đua nhau đi học tiến sĩ hoặc động cơ học tiến sĩ là để thăng quan tiến chức. Đáng tiếc, phẩm chất và tư duy của một tiến sĩ dường như không trùng với những điều kiện cần phải có của một “công bộc” vì dân. Lối tư duy học để làm quan từ thời phong kiến đã lỗi thời trong một xã hội dân chủ, văn minh.
Tiến sĩ nhiều, đúng ra trình độ nền khoa học và công nghệ nước nhà phải ngày một lớn mạnh, hàm lượng chất xám trong mọi sản phẩm và dịch vụ, trong nền hành chính phục vụ nhân dân phải gia tăng tương xứng. Chỉ khi đó hai từ tiến sĩ mới được xã hội trân quý, xứng đáng là nhân tài, là nguyên khí của quốc gia.