Độc từ đâu ra thì chưa biết, chỉ biết đến bây giờ công luận mới tỏ tường rằng có một đường ống nước thải khổng lồ đường kính tới 1,2m, dài 1,5 km nằm sâu dưới mặt nước biển 12m (Bộ TN&MT cấp phép xả thải tháng 12/2015) từ Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh chảy thẳng ra biển. Đáng lưu ý hơn, Formosa vừa súc rửa đường ống mà không hề thông báo với địa phương (trái quy định của Bộ TN&MT). Được biết đơn vị này vừa nhập về một số lượng lớn hóa chất gồm 45 loại, trong đó có nhiều chất cực độc, để xử lý chất thải và súc rửa đường ống. Thông tin đáng chú ý, trạm quan trắc tự động đường ống xả thải của Formosa lại chưa kết nối và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh. Mọi sự điều tra, phân tích đang dồn về nơi xuất phát điểm của hiện tượng cá nhiễm độc - Hà Tĩnh, bởi lẽ các tỉnh ngược dòng hải lưu ven bờ (từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc) cá không chết mà chỉ chết ở những tỉnh xuôi dòng hải lưu (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế).
Dẫu chưa thể biết thủ phạm đích thực gây ra thảm họa môi trường khiến ngành đánh bắt nuôi trồng thủy sản và du lịch khắp vùng biển miền Trung lao đao. Song người dân cần được biết, đến nay đã có bao nhiêu đường ống xả thải kiểu như Formosa đã cắm xuống biển Việt Nam? Việc kiểm soát những đường ống xả thải này ra sao, có giám sát được 24/24h? Hệ thống quan trắc tự động bắt buộc theo luật của những đường ống xả thải này hoạt động thế nào, có quan trắc được các độc tố, ai chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát và lưu trữ số liệu? Khi cần, cơ quan nào có trách nhiệm phải cung cấp và công bố trước công luận? Hàng loạt câu hỏi dường như chưa có câu trả lời.
Sau vụ công ty bột ngọt Vedan xả thải bức tử sông Thị Vải, dư luận mới chỉ chú ý tới việc xả thải ra sông ngòi. Nay trước thảm họa môi trường biển miền Trung, chắc chắn những đường ống xả thải ra biển như Formosa sẽ rơi vào “tầm ngắm” của công luận, buộc các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ theo trách nhiệm được giao.
Biển là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc, là khu vực kinh tế cực kỳ quan trọng gắn liền với khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản, du lịch… của nước ta. Trọng trách của chúng ta không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng, mà còn phải giữ gìn môi trường trong lành của hàng ngàn km bờ biển xinh đẹp cho các thế hệ mai sau.
Một khi chưa tìm ra nguyên nhân đích thực của thảm họa môi trường - cá chết trắng bờ biển miền Trung, vẫn còn nguyên nỗi lo biển độc trĩu nặng trong lòng mỗi người dân Việt.