Ai đảm bảo được?

TP - Mấy ngày trước, cho dù Đà Nẵng không có hiện tượng cá biển chết hàng loạt như ở các tỉnh từ Hà Tĩnh vào tới Thừa Thiên-Huế, ông chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ cùng một số quan chức đã ra tận cảng cá Thọ Quang ở quận Sơn Trà ăn cá.

Tất nhiên ai cũng hiểu đây là hành động nhanh chóng của chính quyền, với nỗ lực phục hồi niềm tin của người tiêu dùng đối với cá biển được nói là “đánh bắt xa bờ”. Không chỉ trực tiếp ăn tại chợ cá, ông Thơ còn yêu cầu từ lúc đó đến khi tình hình tiêu thụ hải sản ở các chợ ổn định trở lại, các căng-tin phục vụ cho hơn 1.000 cán bộ trong Trung tâm hành chính Đà Nẵng phải có thực đơn “toàn món cá”.

Chính quyền có trách nhiệm chia sẻ khó khăn với ngư dân và nỗ lực khôi phục niềm tin của giới chức Đà Nẵng là đáng ghi nhận, nhưng cách làm của ông chủ tịch thành phố xem ra không ổn.

 Bởi hành động ăn cá và yêu cầu cán bộ làm gương ăn cá, để khuyến khích người tiêu dùng làm theo này, dường như chưa có đầy đủ cơ sở khoa học. Lấy gì để đảm bảo những con cá được nói là “đánh bắt xa bờ” kia là thực sự an toàn?

Không chỉ giới chức Đà Nẵng, chính quyền nhiều tỉnh như Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình cũng đang làm nhiều việc thể hiện họ đã hết sức, tận tâm với sự an toàn của người dân dù tính khoa học, tính hiệu quả thì còn phải xét. 

Cụ thể như việc cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn cho các tàu đánh bắt xa bờ. Căn cứ để cấp giấy này là nhật ký hải trình của các tàu đánh bắt xa bờ, ít nhất là cách bờ 20 hải lý trở lên. Chưa có ai đứng ra đảm bảo các tàu của tỉnh A đúng là đánh bắt xa bờ bởi các tàu hầu hết đều không có định vị. 

Và kể cả có thiết bị định vị đi chăng nữa, cũng không ai đảm bảo được cá hoàn toàn được đánh bắt ở những vùng biển tạm coi là “an toàn”, không ai đảm bảo được các tàu có mua lại cá “không an toàn” rồi tiêu thụ hay không.

Nhưng dù gì đi chăng nữa, ngư dân đã trở lại biển, bởi với họ, biển là sinh kế, tàu không thể cứ mãi nằm bờ. Người tiêu dùng nhiều nơi, không chỉ ở Đà Nẵng cũng đã bắt đầu ăn hải sản trở lại, một phần có lẽ vì không thể mãi gạt bỏ một nguồn thực phẩm quan trọng trong khi các nguồn khác cũng đâu chắc an toàn. 

Vì thế, điều quan trọng là đừng để những sự cố môi trường như hiện tượng cá chết hàng loạt lần này lặp lại. Còn rủi có xảy ra nữa thì chính quyền phải phản ứng nhanh hơn, chính xác, bài bản và khoa học hơn, để giảm bớt thiệt hại cho người dân.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.