Những lưu dân trên quê hương mình

Sông Hồng. Ảnh; Vietnamnet
Sông Hồng. Ảnh; Vietnamnet
TP - Người dân miền Tây nhiều nơi đang vật vã rời bỏ xứ sở. Rời bỏ nơi vốn là vựa lúa, vựa tôm cá phì nhiêu. Xứ sở của kênh rạch và phù sa, của những miệt vườn cây trái lừng danh, nơi sản sinh vẻ đẹp của người con gái, và những điệu hò.

Nơi người dân ai cũng là nghệ sĩ. Chiều chiều, rời chiếc ghe, manh lưới, phủi chân lên là họ ngồi với đàn kìm, đàn nguyệt, những vọng cổ, lý lơi mùi mẫn…

Vậy mà xứ sở ấy, những ngày này hàng vạn người rời bỏ để tha phương cầu thực. Do hạn mặn, sông ngòi kiệt nước. Sông đã chết. Đất đã chết…

Họ đi đâu? Họ không thuộc dòng người vào giảng đường, nhà máy. Họ đa phần đã cứng tuổi, đã già, ít chữ. Là những người không có nhu cầu khởi nghiệp. Nhưng buộc phải bỏ xứ ra đi, vì đã cạn kiệt sinh kế. Trở thành những lưu dân trên chính quê hương mình…

Mấy trăm năm trước, những lưu dân lưng đeo gươm, vai mang cuốc cày, dắt dẫn trâu bò lần lượt rời bỏ nỗi cơ cực xác xơ nơi mảnh đất lắm nắng nhiều mưa để Nam tiến, để trở thành những công dân của một miền trù phú bậc nhất. Nguyễn Văn Xuân đã viết vậy trong cuốn biên khảo lừng danh “Khi những lưu dân trở lại” in ở miền Nam 50 năm trước. Nay dòng lưu dân lại rời khỏi xứ này. Vì đâu nên nỗi? 

Họ sẽ đi đâu?

Người dân biển miền Trung những ngày này đang quay quắt trước nỗi đau biển chết, cảnh tượng mà những người lớn tuổi nhất làng chài sống cả đời cũng chưa hề gặp. Hôm qua, dưới đáy biển xã Nhân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), người dân lặn xuống bắt gặp “cá nằm chết la liệt. Nhím, ngao, sò, ốc, vẹm chỉ còn lại vỏ. Rạn san hô vốn đẹp như vườn hoa lung linh sắc màu, giờ ngả nghiêng, xiêu vẹo, ố vàng, nám đen xám xịt” (báo Tiền Phong ngày 5/7). Ngư dân nghẹn ngào: “Đáy biển không còn chi nữa rồi!”.

Biến đổi khí hậu hay do con người đổ hóa chất ra biển?! Dù nguyên do gì, thì xét cho cùng, tất cả đều từ bàn tay con người. Từ sự vơ vét tự nhiên, tàn sát thiên nhiên, sẵn sàng rút miếng ván cuối cùng đang lót dưới chân mình vì lợi nhuận.

Những ngày này, lòng dân lại quặn thắt khi nghĩ về sông Hồng. Dòng sông Mẹ ấp iu, nuôi dưỡng những cánh đồng ngàn năm, dòng chủ lưu của nền văn hóa, tâm thức, tâm linh của dân tộc… Dòng sông – di sản vĩ đại ấy đang trước nguy cơ thuộc về một ông chủ doanh nghiệp toàn quyền sở hữu và “sinh sát”!

Viễn cảnh về đồng bằng sông Hồng rồi có như đồng bằng sông Cửu Long? Những người dân châu thổ Bắc bộ rồi có mang thân phận của những di dân, lưu dân? Để phải ra đi đến những người cuối cùng, bỏ lại mảnh đất chết sau lưng.

Nhưng rồi, đến khi ấy, những lưu dân ấy, họ sẽ biết đi đâu?!

MỚI - NÓNG