Khởi nghiệp từ hạt dổi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ hạt dổi, chàng trai người Mường Bùi Anh Tuấn (28 tuổi, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã phát triển thành nhiều sản phẩm hữu ích, góp phần nâng cao giá trị sản vật địa phương.
Khởi nghiệp từ hạt dổi ảnh 1
Dự án “Rượu dổi xoa bóp” của Bùi Anh Tuấn đã giành giải Nhì cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình.

Bùi Anh Tuấn chia sẻ ý tưởng xây dựng dự án “Rượu dổi xoa bóp” xuất phát từ những ký ức tuổi thơ. Đó là mỗi mùa hạt dổi chín đỏ rực, bố mẹ Tuấn đi lấy hạt ở rừng mang về cho vào ống nứa cất trên gác bếp để làm gia vị, hoặc ngâm với rượu dùng xoa bóp mỗi khi trái gió trở trời.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch, huyện Lạc Sơn thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, kéo theo nhu cầu mua các sản vật địa phương rất lớn. Trong đó, các sản phẩm dược liệu mang bản sắc dân tộc được du khách ưa chuộng.

Theo Bùi Anh Tuấn, rượu dổi xoa bóp là sản phẩm truyền thống của người Mường. Trong đời sống thường nhật, người Mường lấy hạt dổi ngâm với rượu để bôi ngoài da, làm ấm cơ thể, giảm đau nhức xương khớp. “Tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ hạt dổi, đưa hạt dổi trở thành hàng hóa có giá trị cao và lan tỏa đặc sản Lạc Sơn. Điều này cũng giúp bà con tiêu thụ hạt dổi, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương”, Tuấn cho hay.

Theo Tuấn, việc sản xuất rượu dổi xoa bóp được thực hiện với quy trình khép kín, áp dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo lưu giữ chất lượng tốt nhất của hạt dổi. Hạt dổi cổ thụ khi vào mùa chín rộ, hái từ trên cây cao đưa về ngâm với nước muối loãng, rồi đưa đi sấy gió và sấy khô. Khi quy trình sơ chế hoàn thành lại đưa hạt dổi vào ngâm trong 3 tháng. Sau đó lấy ra xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt và tiếp tục ngâm với rượu thêm 3 tháng nữa mới cho ra sản phẩm rượu xoa bóp đạt chất lượng.

Chị Phan Thị Hồng Vân, Bí thư Huyện Đoàn Lạc Sơn (Hòa Bình) cho biết, dự án “Rượu dổi xoa bóp” của Bùi Anh Tuấn gắn với thương hiệu hạt dổi của đồng bào Mường, được phát triển dựa trên bài thuốc dân gian của địa phương. Dự án tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thanh niên và các hộ dân trên địa bàn xã.

Rượu dổi xoa bóp do Tuấn làm ra được khách hàng ưa chộng. Hiện sản phẩm được bán tại các gian hàng trưng bày ở địa phương và được quảng bá, tiêu thụ trên các kênh Facebook, Zalo, YouTube, Instagram, TikTok. Hiện mỗi năm Tuấn sản xuất, tiêu thụ 3.000 lọ rượu xoa bóp, đem về doanh thu khoảng 240 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 5 thanh niên với thu nhập 5 triệu đồng mỗi tháng.

Nhằm đáp ứng nguyên liệu sản xuất, Tuấn đã liên kết bao tiêu hạt dổi với 15 hộ dân, tiếp tục đầu tư máy móc, công nghệ phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Tuấn phát triển thêm các dòng sản phẩm: muối dổi, gối dổi dược liệu, cao dán dược liệu, tinh dầu dổi…

“Để nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, tôi mong được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tiếp tục đầu tư phát triển nhà xưởng, công nghệ để cho ra các sản phẩm tốt nhất”, Tuấn nói thêm.

MỚI - NÓNG