Chuyện khởi nghiệp của những người trẻ ở miền núi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với khát vọng khởi nghiệp từ sản vật bản địa, nhiều bạn trẻ người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, Bắc Kạn… không chỉ tạo sinh kế cho bản thân, cho đồng bào mà còn đưa những sản phẩm ngon, lạ đến người tiêu dùng.
Chuyện khởi nghiệp của những người trẻ ở miền núi ảnh 1
Nhóm bạn trẻ người Cil giới thiệu mật ong rừng PơKao tại TPHCM. Ảnh: U.P

Mật ong Pơkao

Trong bộ đồ truyền thống của người dân tộc Cil (Lâm Đồng), nhóm bạn trẻ gồm K’ Lòng Mai Thơm, Long Đinh Ha Ônh, Bon Niêng Ha Siêng đã đem những hũ mật ong sánh vàng đến giới thiệu tại TPHCM. Mời khách nếm thử mật ong, chị K’ Lòng Mai Thơm (34 tuổi) cho biết, xã Đưng K’nớ thuộc huyện Lạc Dương là huyện miền núi phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, có 96% là người dân tộc Cil.

“Đồng bào chủ yếu làm nông nghiệp, trồng cà phê, hoa lan… Những năm gần đây cà phê mất mùa, giá cả bấp bênh nên người dân càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn thu từ rừng, đặc biệt là mật ong. Đây là mật ong của tổ hợp tác PơKao” - chị Thơm cho biết.

Theo anh Long Đinh Ha Ônh, từ tháng 4 - 6 âm lịch hằng năm, người dân xã Đưng K’nớ rong ruổi khắp các cánh rừng già nguyên sinh trên địa bàn để đi săn mật ong rừng. Tuy nhiên, do làm tự phát nên đàn ong về làm tổ vơi dần. Dưới sự đồng hành của chính quyền địa phương, tổ chức Caritas Đà Lạt, tổ hợp tác PơKao được thành lập năm 2021 nhằm giúp người dân có thu nhập ổn định và gắn bó với nghề săn ong truyền thống.

Anh Bon Niêng Ha Siêng (33 tuổi), trưởng nhóm tổ hợp tác PơKao cho biết, hiện có 37 thành viên cùng tham gia (7 nhóm) đều được tập huấn cách săn ong bền vững. Đó là không làm tổn thương ong, không dùng khói và hóa chất đảm bảo sự tái tạo sinh học. Nhóm cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ để chất lượng mật tốt hơn. Cụ thể, khi mật ong được thu hoạch về sẽ nhập kho, dùng thùng inox có màng lọc để lọc mật, tránh lẫn dịch của ấu trùng và bụi bẩn. Để cô đặc giữ nguyên dưỡng chất mật tự nhiên, nhóm dùng công nghệ tách thủy phần mật ong rồi đưa vào các bình chứa, trước khi đóng các nhãn mác lên thành phẩm.

“Chúng tôi quyết định đưa mật ong PơKao đi tìm thị trường, với mong muốn góp thêm một sản phẩm thiên nhiên tốt cho sức khỏe đến với người tiêu dùng. Đồng thời tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của đồng bào” - anh Ha Siêng cho biết. Hiện, mỗi lít mật ong rừng PơKao có giá 900.000 đồng/lít.

Tổ hợp tác PơKao đang xây dựng tem nhãn thương hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng và gắn tem truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường cho sản phẩm mật ong. Nhóm cũng đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm) giúp nâng tầm sản phẩm của địa phương.

Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết: “Gần đây rất nhiều sản phẩm bản địa được các bạn trẻ dân tộc thiểu số mang đến dự thi khởi nghiệp. Chúng tôi đánh giá rất cao và sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ để các bạn nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu trước khi đưa ra thị trường”.

Món quê “lên đời”

Heo dẻo mác mật - món ăn chơi “không đụng hàng” của cô gái Tày Lăng Thị Thơ (Lạng Sơn) khiến nhiều thực khách bất ngờ vì ngon và lạ. Theo chị Thơ, người dân Lạng Sơn chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo. Mác mật (mắc mật) là cây gia vị đặc trưng của tỉnh nổi tiếng với các món ăn như heo quay mác mật, vịt quay mác mật… Tuy nhiên giá trị kinh tế của cây mác mật chưa cao.

Do đó, chị muốn tạo ra sản phẩm riêng từ những gia vị địa phương. Chị bật mí, nguyên liệu để sản xuất heo dẻo mác mật là thịt heo tươi, lá, quả mác mật ướp từ 12 - 15 giờ đồng hồ ở điều kiện nhiệt độ thấp. Thịt sau khi ngấm gia vị được xếp ra khay cho ráo nước, sau đó cho vào lò nướng chín. Khi thịt chín sẽ đưa sang lò sấy, sấy đến khi miếng thịt se lại, dẻo dai là đạt yêu cầu. Do không chứa chất bảo quản nên ngay khi thịt nguội thì tiến hành đóng gói, hút chân không rồi cấp đông.

Đầu tháng 10/2023, chị Thơ đã gửi mẫu đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để xác định các chỉ tiêu chất lượng. Khi có kết quả đảm bảo chất lượng mới chính thức xuất ra thị trường. “Sản phẩm không chỉ thúc đẩy chăn nuôi heo tự nhiên, mà còn góp phần bảo tồn và nâng cao giá trị kinh tế của cây mác mật” - chị Thơ kỳ vọng.

Chuyện khởi nghiệp của những người trẻ ở miền núi ảnh 2
Cô gái Dao Đặng Thị Dất nuôi ước mơ khởi nghiệp từ những ống trà lam gác bếp. Ảnh: U.P

Trong khi đó, cô gái Dao Đặng Thị Dất (23 tuổi) đến từ Bắc Kạn lại làm nhiều du khách thích thú với những ống chè (trà) lam gác bếp từ chè Shan tuyết. Chè ống lam hiểu đơn giản là sản phẩm trà được bảo quản trong ống cây nứa tươi; vừa giúp chè không bị hỏng, còn làm cho vị trà được nâng tầm khi có chất nhựa từ cây nứa tươi tiết ra qua các công đoạn chế biến.

“Một ống trà lam nhìn đơn sơ vậy thôi nhưng phải mất nhiều thời gian ở công đoạn. Chè Shan tuyết được hái vào sáng sớm khi vẫn còn sương và chế biến ngay. Sau khi được nhồi vào ống nứa sẽ hơ qua lửa cho đến khi ống nứa bắt lửa đều mà không bị cháy vỏ ngoài, những búp trà lèn chặt bên trong hút lấy nhựa cây bắt đầu lên men tự nhiên bằng mật ong rừng và nước của ống nứa tươi, sau khi được hơ trên gác bếp cao hơn mới tạo thành thành phẩm” - chị Dất chia sẻ.

Theo chị Dất, trà ống nứa bảo quản được lâu hơn so với trà sấy khô bình thường, thậm chí để càng lâu, trà sẽ đạt được hương vị tốt hơn. Đặc biệt, sản phẩm nhỏ gọn tiện lợi, dễ dàng vận chuyển khi làm quà tặng.

“Em muốn đưa thêm nhiều sản phẩm truyền thống của đồng bào Dao để giới thiệu đến người dân, cũng như góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của quê hương” - Dất nói thêm.

MỚI - NÓNG