Khiếu kiện lên cấp trung ương tăng 18%: Đừng đổ lỗi cho người dân!

Người dân đến gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo tại phòng tiếp dân của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Người dân đến gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo tại phòng tiếp dân của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Thanh tra Chính phủ gần đây triển khai hàng loạt đoàn thanh tra trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương cho biết, việc xử lý trách nhiệm còn chưa nghiêm, còn hiện tượng giơ cao đánh khẽ.

Ông Điệp cho biết: Theo thống kê trên phạm vi toàn quốc, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2015 đoàn đông người giảm nhưng tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương lại tăng tới 18%. Tôi cho rằng, chẳng có công dân nào mà lại muốn bỏ cả gia đình, nhà cửa, ruộng vườn... để ra Thủ đô vài tháng khiếu kiện cả! Họ làm như vậy không phải không có lý do và đừng đổ lỗi cho dân. Tất cả các vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp nguyên nhân đầu tiên là do chính quyền cấp cơ sở không tổ chức đối thoại với bà con, không giải quyết kịp thời dẫn đến là bà con bức xúc muốn lên thẳng Trung ương để can thiệp cho họ.

Từ khi Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp dân ở Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương như cục “nam châm” thu hút người dân đổ về đây. Tâm lý người dân ai cũng mong muốn được lãnh đạo cấp cao giải quyết, điều đó gây ra áp lực cho Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương lúc đầu bị quá tải, sau đó Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép phối hợp với địa phương để tiếp dân trực tiếp tại các địa phương. Từ tháng 7/2014 đến nay Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã tiếp công dân 24 lần với 30 vụ việc.

Một số kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ thể hiện rằng, nhiều lãnh đạo địa phương thường xuyên “quên” tiếp công dân định kỳ theo quy định. Ông đánh giá việc này như thế nào?

Luật Tiếp công dân đã cụ thể hóa trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước phải tiếp dân định kỳ, thủ trưởng cơ quan hành chính không thể trốn tránh trách nhiệm của mình.

“Có một số địa phương thiếu sự hợp tác với Trung ương khi tiếp công dân trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, như việc Ban Tiếp công dân Trung ương mời một đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Dương ra trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương để tiếp dân, hướng dẫn, vận động người dân đưa về địa phương giải quyết, vị lãnh đạo này cũng đã đến nhưng không tiếp dân và ra sân bay về luôn!”, ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương.

Tuy nhiên, quả thực mà nói, qua theo dõi ngay cả các cơ quan Trung ương rất nhiều lãnh đạo không chịu tiếp dân, né tránh, sợ khó, sợ khổ, đẩy được là đẩy, thậm chí chuyển đơn còn sai thẩm quyền, người dân chẳng biết đi đâu và họ như một quả bóng.

Còn ở địa phương cũng có rất nhiều thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là cấp cơ sở thực hiện không đầy đủ, không đúng theo quy định của Luật Tiếp công dân. Có những nơi tiếp dân theo hình thức, tiếp ào ào cho xong; có những cán bộ không đủ trình độ, tiếp người dân nhưng không vận động thuyết phục được dân; có trường hợp còn thách đố người dân;... Công dân lên đây đều phản ánh hết.

Có một số địa phương thiếu sự hợp tác với Trung ương khi tiếp công dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, như việc Ban Tiếp công dân Trung ương mời một đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Dương ra Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương để tiếp dân, hướng dẫn, vận động người dân đưa về địa phương giải quyết, vị lãnh đạo này cũng đã đến nhưng không tiếp dân và ra sân bay về luôn!

Khiếu kiện lên cấp trung ương tăng 18%: Đừng đổ lỗi cho người dân! ảnh 1

Ông Nguyễn Hồng Điệp- Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương.

Để xảy ra tình trạng lãnh đạo nhiều địa phương “quên” tiếp dân, phải chăng do việc kiểm tra xử lý còn giơ cao đánh khẽ?

Thời gian qua, có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trách nhiệm lãnh đạo địa phương, cơ sở tiếp công dân nhưng hầu hết các kết luận thanh tra đều không đề xuất, đưa ra hình thức xử lý trách nhiệm thật nghiêm đối với lãnh đạo địa phương, cơ sở vi phạm mà chỉ rút kinh nghiệm, khiển trách nên dư luận và người dân không hài lòng.

Cấp ủy, chính quyền để nhân dân địa phương mình khiếu kiện tràn lan như vậy trách nhiệm của anh đến đâu? Anh cứ mải mê hết dự án nọ, đến dự án kia nhưng dân thì khiếu kiện tràn lan suốt ngày, ấy thế mà lại vẫn được bổ nhiệm, được khen, rồi được đưa vào quy hoạch cao hơn, đi học lớp nguồn,... như vậy làm sao dân tin được?

Vậy làm gì để khắc phục tình trạng nêu trên, thưa ông?

Trước hết, phải thực hiện nghiêm chỉnh Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các cấp ủy, chính quyền địa phương phải nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Trong đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải dành thời gian đi cơ sở và không chỉ tiếp dân định kỳ mà cần phải tiếp dân khi có sự việc khiếu nại, tố cáo, bức xúc, đông người xảy ra, phải tăng cường đối thoại với người dân ngay từ cơ sở. Phải tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo lấy kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân làm cơ sở để đánh giá cán bộ, luân chuyển, đào tạo, đề bạt, khen thưởng.

Đặc biệt, tôi cho rằng phải tăng chế tài xử lý đối với với thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước thực hiện không đúng, thực hiện không đủ đối với quy định của Luật Tiếp công dân, không xử lý được ở chính quyền thì phải xử lý về mặt đảng, nếu không làm được như vậy thì công tác tiếp dân vẫn thế thôi, vẫn là giải quyết ở trên ngọn!

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG