Kết quả thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND TPHCM do Thanh tra Chính phủ vừa thực hiện cho thấy, trong kỳ thanh tra (từ năm 2011 đến tháng 6/2014) Chủ tịch UBND thành phố và các Phó Chủ tịch mới chỉ tiếp công dân 15/42 ngày theo quy định đạt 35%; Lãnh đạo UBND quận Tân Bình chỉ tiếp 48/72 ngày đạt 67%, trong đó Chủ tịch quận chỉ tiếp có 2 ngày đạt 3%; Lãnh đạo UBND quận 7 chỉ tiếp 25/72 ngày đạt 35%, trong đó Chủ tịch quận tiếp 4 ngày đạt 6%; Lãnh đạo UBND quận Tân Phú chỉ tiếp 30/72 ngày đạt 42%, trong đó Chủ tịch quận tiếp 5 ngày đạt 7%;...
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ nhiều vụ việc Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo nhưng Chủ tịch UBND TPHCM chưa quyết liệt xử lý hoặc đã chỉ đạo thực hiện nhưng các sở, ngành, quận huyện còn viện dẫn nhiều lý do, chậm triển khai thực hiện nên người khiếu nại còn bức xúc, kéo dài. Mặt khác, cũng còn không ít hồ sơ giải quyết trễ hạn, không có thông báo thụ lý, nhiều vụ việc chưa tổ chức đối thoại, thiếu kế hoạch kiểm tra xác minh. Đặc biệt, nhiều vụ việc phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại nhưng chỉ ban hành văn bản trả lời. Trong thời kỳ thanh tra có 10 quyết định ban hành trên 10 năm, 5 quyết định ban hành trên 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Thanh tra Chính phủ khẳng định trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch UBND thành phố trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng trên địa bàn. Đối với lãnh đạo các quận, huyện, Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm và có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận Tân Phú, quận 6, huyện Hóc Môn, quận 7 vì đã không kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; giải quyết không tuân thủ trình tự thủ tục; không đối thoại và tiếp công dân theo quy định; không chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND thành phố trong việc giải quyết khiếu nại của công dân.
Buông lỏng quản lý nhà đất
Kết luận thanh tra nêu rõ, trên địa bàn thành phố tình trạng các cơ sở nhà đất bị lấn chiếm, bỏ trống, cho thuê, làm nhà ở đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Công tác phối hợp, theo dõi, quản lý các dự án được giao cho thuê đất giữa các cơ quan chức năng cũng chưa tốt. Điển hình là có tới 993 hồ sơ thuê đất chưa được ký hợp đồng thuê đất, 807 hồ sơ đất chưa xác định đơn giá theo quy định. Nhiều đơn vị thuê đất nhưng không chấp hành nghĩa vụ tài chính (tiền thuê đất là 1.838 tỷ đồng; tiền sử dụng đất là 1.552 tỷ đồng).
Một số dự án còn chậm triển khai hoặc việc giao đất, cho thuê đất thuộc trường hợp phải đấu giá nhưng không tổ chức đấu giá. Như việc quản lý đất công viên tại quận 6, các cơ quan được giao quản lý đã ký hợp đồng cho 8 tổ chức, cá nhân thuê với tổng diện tích 15.038,25 m2 để làm nhà hàng, bãi giữ xe,... số tiền thu từ các hợp đồng cho thuê mặt bằng công viên sau khi nộp các khoản thuế, phần còn lại trả lương và chi hoạt động thường xuyên, không nộp ngân sách Nhà nước. Việc Tổng Cty TNHH MTV Bến Thành đã sử dụng khu đất số 104 Nguyễn Văn Cừ để hợp tác 30 năm với Cty Bất động sản Phát Đạt trái với quy định của UBND thành phố.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND thành phố tiến hành thanh tra và xử lý đối với Tổng Cty TNHH MTV Bến Thành về công tác quản lý nhà, đất và cho tư nhân thuê, hợp tác để thực hiện nhiều dự án, trong đó có dự án cao ốc tại 104 Nguyễn Văn Cừ; Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất công viên cho tư nhân và các tổ chức thuê, việc quản lý và sử dụng các nguồn thu từ cho thuê đất tại các công viên do UBND quận 6 quản lý để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các vi phạm.