Bộ trưởng Bộ Công an tiếp dân mỗi tháng ít nhất 1 ngày

Bộ trưởng Bộ Công an định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất 1 ngày tại địa điểm tiếp công dân của Bộ tại Hà Nội; thời gian cụ thể do Thanh tra Bộ Công an thống nhất với Văn phòng Bộ Công an báo cáo Bộ trưởng quyết định.

Theo dự thảo lần 6 Thông tư Quy định việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và quản lý công tác tiếp công dân trong Công an nhân dân vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, Bộ trưởng Bộ Công an định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất 1 ngày tại địa điểm tiếp công dân của Bộ tại Hà Nội (thời gian cụ thể do Thanh tra Bộ Công an thống nhất với Văn phòng Bộ Công an báo cáo Bộ trưởng quyết định). Các ngày khác, Chánh Thanh tra Bộ Công an được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, thủ trưởng các cục, đơn vị thuộc Bộ; cục, đơn vị thuộc Tổng cục; phòng, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình. Thủ trưởng công an cấp huyện định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất 2 ngày tại địa điểm tiếp công dân của công an cấp huyện…

Bộ Công an bố trí 2 địa điểm tiếp công dân tại Hà Nội và TPHCM, có lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Trong trường hợp cần thiết (khiếu nại, tố cáo phức tạp, gây mất an ninh, trật tự tại khu vực tiếp công dân của Bộ Công an) thì cán bộ tiếp công dân báo cáo lãnh đạo Thanh tra Bộ yêu cầu Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội hoặc Công an TPHCM cử lực lượng phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự; xử lý người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh; công an, cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; công an phường, thị trấn, đồn, trạm công an và công an xã trong biên chế công an nhân dân bố trí địa điểm và tiếp công dân tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị mình.

Dự thảo quy định công an cấp phường bố trí cán bộ trực ban theo quy định, khi có công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì cán bộ trực ban báo cáo thủ trưởng đơn vị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo dự thảo, trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, tập thể, tính mạng, tài sản của Nhân dân thì cán bộ tiếp công dân phải kịp thời báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị áp dụng biện pháp ngăn chặn theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan, đơn vị chức năng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với trường hợp người tố cáo yêu cầu giữ bí mật hoặc bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo thì cán bộ tiếp công dân có trách nhiệm giữ bí mật cho người tố cáo và phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, nội dung tố cáo, yêu cầu người tố cáo ký hoặc điểm chỉ xác nhận; đồng thời báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị yêu cầu công an các đơn vị chức năng áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật, bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo theo quy định của pháp luật.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG