Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, cho biết cả huyện chỉ có 1 trường có giáo viên tiếng Anh. Nhiều năm trước huyện đã tuyển dụng nhưng không có ai ứng tuyển. Vì vậy, UBND tỉnh Yên Bái đã biệt phái 9 giáo viên dưới xuôi lên dạy các lớp 3. Năm học này biệt phái 10 giáo viên để dạy cho cả lớp 3 và lớp 4.
Giáo viên biệt phái
Do chưa đủ mỗi trường 1 giáo viên tiếng Anh nên Phòng GD&ĐT Mù Cang Chải phải bố trí để 10 giáo viên dạy tất cả các lớp của 16 trường tiểu học bằng cách kết hợp trực tuyến trong một trường hoặc giữa trường này với trường kia. Giải pháp dạy liên trường trực tiếp khó thực hiện vì chỉ dạy 1 trường thì giáo viên đã quá tải.
Cô Nguyễn Thị Bích Thu, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, là một trong số những giáo viên được UBND tỉnh biệt phái lên dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, cô Thu cho biết, năm học 2023 - 2024 được UBND tỉnh giao nhiệm vụ biệt phái hỗ trợ dạy tiếng Anh cho huyện vùng cao của tỉnh.
Trước khi lên Mù Cang Chải, cô Thu chưa thể hình dung được những khó khăn, thiếu thốn của thầy cô, học trò nơi đây. Dù ở Yên Bái, nhưng cô Thu cũng chưa một lần dám du lịch Mù Cang Chải vì nghĩ đến quãng đường di chuyển ngoằn ngoèo, đèo cao, dốc ngược trong khi sức khỏe không cho phép. Lần đầu tiên lên Mù Cang Chải, cô Thu phải uống thuốc chống say mà vẫn say. Thậm chí, đến bây giờ cô vẫn chưa “cai” được thuốc chống say xe mỗi lần về thăm nhà. Cô Thu cho hay, giai đoạn đầu, các thầy cô ai cũng sụt cân vì không quen môi trường, không quen di chuyển xa xôi.
Ngày đầu đến Mù Cang Chải, nhận phòng trọ mà nhà trường thuê cho, cô Thu chia sẻ, dù nhà trường đã rất cố gắng để chọn một ngôi nhà kiên cố và sửa sang lại nhưng khi bước vào nhà cô vẫn choáng vì đó là ngôi nhà cấp 4 lợp tôn xi măng, nền đất, trong không có gì ngoài chiếc giường cá nhân. Những người khác cũng vậy nên đêm đầu tiên, 10 giáo viên biệt phái hầu như không ai ngủ được, họ nhắn tin cho nhau cho đỡ sợ, trống trải và nhớ nhà.
Tuy nhiên, cô Thu vẫn còn may mắn hơn một số đồng nghiệp khác khi họ ở điểm trường xa hơn, chỗ ở chỉ được che chắn bằng các tấm ván, mùa đông gió vẫn lùa tứ phía, lạnh thấu xương. Nhưng sau 2 - 3 tuần, các thầy cô biệt phái cũng quen dần. Nhờ sự đáng yêu của học sinh, sự giúp đỡ hồn hậu, chân thành của đồng nghiệp ở vùng cao, các cô đã thích nghi được với cuộc sống và công việc ở nơi này. Tuy nhiên, nỗi nhớ nhà, nhớ chồng con là chưa thể quen.
Con gái út của cô Thu đang học lớp 12, chuẩn bị vào ĐH nên rất cần có mẹ ở bên để động viên, hỗ trợ… nên dù say xe, tuần nào cô cũng bắt xe khách về thăm nhà từ chiều thứ Sáu rồi chiều Chủ nhật lại khăn gói lên trường.
Cô Nguyễn Thị Bích Thu trong tiết dạy tiếng Anh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái). Ảnh: Tuyết Mai |
Động lực lớn nhất níu chân cô Thu cũng như các giáo viên biệt phái ở lại nơi đây là chứng kiến học sinh từ lớp 1, thể trạng bé nhỏ nhưng rất kiên cường, tự lập. “Thời gian biệt phái của giáo viên là 1 năm học, chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cho giáo dục ở vùng cao bớt khó khăn, giúp học sinh miền núi bớt thiệt thòi so với các bạn ở thành phố”, cô Thu tâm sự.
Giáo viên Hà Nội dạy online cho học sinh Yên Bái
Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã cử giáo viên hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh các trường tiểu học và THCS ở tỉnh Yên Bái. Sở đã cử 285 giáo viên tham gia dạy học trực tuyến cho tỉnh Yên Bái. Đây đều là những giáo viên có năng lực, trình độ chuyên môn tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, đạt chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên và hầu hết đều đã tham gia khóa bồi dưỡng của thành phố tại Australia. Tính đến ngày 16/3, các thầy, cô giáo của Hà Nội đã giảng dạy được 632 tiết tại 17 trường THCS thuộc tỉnh Yên Bái.
Từ năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Yên Bái và Nam Định ký Chương trình phối hợp về việc hỗ trợ dạy tiếng Anh, Tin học lớp 3 trực tuyến. Môn tiếng Anh tổ chức tại 5 huyện với 21 trường, 60 lớp, tổng số 120 tiết/tuần với 1.882 học sinh được học; môn Tin học tổ chức tại 2 huyện với 13 trường, 43 lớp, 43 tiết/tuần với số học sinh được học trực tuyến 1.329 em.
Về phía Yên Bái, để bảo đảm các tiết dạy hiệu quả, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã cử 118 giáo viên tham gia trợ giảng, hỗ trợ giáo viên Hà Nội tại từng lớp học. Hai bên cũng thường xuyên trao đổi nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai để có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với từng đơn vị. Giáo viên các trường học của Yên Bái cũng chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi để thống nhất kế hoạch, thời khóa biểu dạy học, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giáo viên Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ. Các giáo viên của Hà Nội mặc dù đều kín lịch dạy (19 tiết/tuần), nhưng đều rất nhiệt tình trong việc thu xếp thời gian dạy học hỗ trợ học sinh các trường học ở tỉnh Yên Bái.
Theo ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh có 250 cơ sở giáo dục với hơn 226.000 học sinh, gần 14.000 giáo viên các cấp học. Những năm qua, giáo dục của tỉnh Yên Bái có nhiều chuyển biến, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 92%, tuy nhiên các nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường học của tỉnh Yên Bái vẫn thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, Hà Nội sẵn sàng mở rộng hình thức hỗ trợ giảng dạy trực tuyến cho học sinh các cấp học khác; đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh nói riêng và các môn học khác nói chung.