Thanh Hóa giải quyết việc thiếu giáo viên tiếng Anh, môn đặc thù thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm học 2023-2024, tình trạng thiếu giáo viên môn tiếng Anh và các môn đặc thù như tin học, âm nhạc, mỹ thuật diễn ra tại nhiều trường học ở Thanh Hoá.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, hiện nay, tổng số giáo viên trong biên chế hiện có ở các cấp học của tỉnh là 40.431 người. So với định mức quy định của tỉnh còn thiếu 6.884 giáo viên, trong đó: giáo viên môn tiếng Anh thiếu 277 người, giáo viên tin học thiếu 680 người, giáo viên âm nhạc thiếu 12 người, giáo viên mỹ thuật thiếu 209 người. Số giáo viên thiếu tập trung ở các huyện miền núi, vùng cao, biên giới.

Ghi nhận tại huyện miền núi Quan Sơn cho thấy, những năm học gần đây, huyện thường xuyên thiếu giáo viên Tiếng Anh và các môn đặc thù để dạy đủ Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Năm học 2023-2024, ở cấp tiểu học chỉ có 10 giáo viên Tiếng Anh/14 trường, thiếu 8 giáo viên theo quy định; 2 giáo viên tin học/14 trường, thiếu 6 giáo viên. Ở cấp THCS, phải cần 17 giáo viên Tiếng Anh/13 trường, nhưng hiện tại chỉ có 11 giáo viên môn này, thiếu 6 giáo viên; môn mỹ thuật cần 7 giáo viên/13 trường, nhưng hiện tại có 4 giáo viên môn này, thiếu 3 người.

Thanh Hóa giải quyết việc thiếu giáo viên tiếng Anh, môn đặc thù thế nào? ảnh 1

Một giờ học tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hoá. Hiện nay, trường đang thiếu giáo viên ngoại ngữ và một số môn học.

Từ năm học 2024-2025, nhu cầu số giáo viên Tiếng Anh và môn đặc thù tiếp tục tăng, do thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 5 và lớp 9.

Ông Lê Huy Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn cho biết, do thiếu giáo viên Tiếng Anh, các môn đặc thù đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn. Trước mắt, phòng đã phân công giáo viên các môn này dạy liên trường để đáp ứng dạy đủ chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên Tiếng Anh và các môn đặc thù chia sẻ, việc dạy liên trường ở các huyện vùng cao, biên giới sẽ gây khó khăn, áp lực cho giáo viên. Bởi vì đường xá đi lại khó khăn, khoảng cách giữa các trường xa nhau; việc dạy tăng tiết nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn.

Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, từ năm học 2022-2023, các môn Tiếng Anh, tin học trở thành môn học bắt buộc ở cấp tiểu học được dạy từ lớp 3. Các môn âm nhạc, mỹ thuật là môn lựa chọn ở cấp THPT được dạy từ lớp 10, nên việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Thanh Hóa giải quyết việc thiếu giáo viên tiếng Anh, môn đặc thù thế nào? ảnh 2

Địa hình, giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hoá).

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, tình trạng thiếu giáo viên nêu trên là do biên chế trung ương giao cho tỉnh thiếu nhiều, nên biên chế tỉnh giao cho các đơn vị còn thấp hơn so với nhu cầu. Tuy nhiên, ở một số đơn vị khi được tỉnh giao biên chế thì vẫn chưa kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá đang phối hợp với các đơn vị thực hiện tuyển dụng giáo viên. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng trước số giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều như giáo viên Tiếng Anh, tin học, mỹ thuật (cấp tiểu học); giáo viên tin học, Tiếng Anh, mỹ thuật (cấp THCS) và giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (cấp THPT). Các địa phương chưa kịp tuyển dụng giáo viên các môn nêu trên, thì thực hiện hợp đồng lao động làm giáo viên đối với sinh viên mới ra trường và số giáo viên đã nghỉ hưu, còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề. Bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy liên cấp, dạy tăng tiết nhằm đảm bảo có đủ giáo viên dạy học theo chương trình mới...

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.