Những năm qua tình trạng thiếu giáo viên tại Hà Nội đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Tại phiên họp giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố do Thường trực HĐND TP. Hà Nội tổ chức chiều ngày 17/10, nhiều đại biểu đã đề nghị thành phố thông tin về giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Đại biểu Duy Hoàng Dương (Tổ đại biểu huyện Hoài Đức) đề nghị Sở Nội vụ làm rõ nội dung thiếu giáo viên, việc quản lý, tuyển dụng biên chế giáo dục để khắc phục tình trạng này.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, hiện nay, biên chế giáo dục của thành phố được giao thiếu so với định mức của Bộ GD&ĐT quy định. Năm học 2023-2024, theo thống kê trên địa bàn thành phố còn thiếu 10.915 giáo viên.
Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, theo bà Liễu, thời gian qua, Sở Nội vụ phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp. Theo đó, Sở đã tham mưu thành phố ban hành về quy định phân cấp cho các sở ngành, quận, huyện được chủ động tuyển dụng viên chức.
Đặc biệt, Sở đã tham mưu cho HĐND TP. ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các đơn vị tự chủ dưới 10% thì được ký 70% hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế thiếu do định mức tăng. Các đơn vị tự chủ trên 70%, chủ động ký hợp đồng lao động tuỳ nguồn thu. Cơ chế này đã tháo gỡ được một số khó khăn cho các đơn vị.
Cùng với đó, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất giải pháp nâng mức tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo. HĐND thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội.
Năm học 2023-2024 đã có 296 đơn vị đăng ký thí điểm, trong đó có 118 trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 178 trường thuộc quận, huyện, thị xã. Theo cơ chế này, khi rà soát biên chế năm 2023, các đơn vị sẽ nâng mức tự chủ. Năm 2024 các đơn vị sẽ tự chủ chi thường xuyên, khi đó gần 15.000 người sẽ chuyển hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang tự chủ.
Sau thí điểm, nếu được triển khai chính thức, đơn giá được triển khai diện rộng thì giải pháp này sẽ được thực hiện căn cơ và giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên.
Giải pháp tiếp theo là cho các quận, huyện, thị xã tiếp tục được tuyển dụng giáo viên. Với một số môn học không tuyển được hoặc giáo viên chưa đạt chuẩn thì tham mưu UBND TP. Hà Nội đặt hàng cử nhân sư phạm theo Nghị định 16/2020 của Chính phủ.