Nếu như không có gì thay đổi, ngôi biệt thự gần trăm tỷ này sẽ được bàn giao cho người chủ thực sự là UBND thành phố khai thác sử dụng vào mục đích khác trong tháng 12 này. Khó có thể diễn tả được cảm xúc của những phóng viên tham gia viết loạt bài “Nhà công, đất công” 9 năm về trước. Sau loạt bài ngày đó, có cựu quan chức xin trả lại nhà, việc bán nhà biệt thự được chấn chỉnh... Tác phẩm đã đoạt Giải báo chí Quốc gia. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc loạt bài đã gieo vào lòng của bao bạn đọc về niềm tin vào sự tử tế.
Thế nhưng thực tế không hẳn vậy, cho đến cuối năm 2014 này, nhiều người tham gia viết loạt bài đã chuyển công tác, bức phù hiệu của Giải thưởng báo chí sau 9 năm đã hoen, ngôi biệt thự vẫn không thay tên người sử dụng. Khi lật lại hồ sơ vụ việc mới thấy nhiều người từng giữ trọng trách trong việc bán biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa bất thành 9 năm trước giờ hoặc đã nghỉ hưu, hoặc đã thuyên chuyển, thậm chí có người đã mất. Vậy nhưng, biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa vẫn ngủ dài trong tay của cựu Chủ tịch. Có đồng nghiệp hóm hỉnh đùa: “Hà Nội chưa thu hồi được biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, có lẽ đề nghị Hội Nhà báo xem xét thu lại giải báo chí…”? Biết là đùa nhưng cũng không khỏi chạnh lòng vì một mặc cảm dối lừa bạn đọc, day dứt về món nợ niềm tin với công chúng. Vẫn biết rằng, Hà Nội không vội được đâu!
Hôm nay, nghe tin cựu chủ tịch thành phố tự nguyện trả lại nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa mà không kèm điều kiện gì đã khiến nhiều người liên tưởng về một kết thúc có hậu. Có hậu cho thành phố Hà Nội vì sau 8 năm, cuối cùng Hà Nội đã giải được bài toán khó. Dẫu có muộn, nhưng những gì Hà Nội tuyên bố 8 năm trước nay cũng thành hiện thực. Những nghi ngại về sự nể nang, thiếu cương quyết từng bước được xua tan. Có hậu nữa, bởi Hà Nội không chịu tiếng cạn tình đến mức phải “cưỡng chế” người có công đóng góp nhiều cho thành phố ra khỏi nơi ở.
Với cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, rõ ràng quyết định trả lại biệt thự được đánh giá là một nghĩa cử đẹp cho dù điều đó là lẽ rất thường. Đẹp bởi khi không có nhu cầu về chỗ ở thì cũng không nên níu kéo duyên nợ với căn biệt thự triệu đô nhưng không phải của mình. Điều này còn gửi đến một thông điệp, cựu chủ tịch đã tự lo được nơi ở mà không vấn vương với ngôi nhà công vụ. Quan trọng hơn, là người từng đứng đầu chính quyền thành phố, ông Hoàng Văn Nghiên với việc tự nguyện trả lại nhà công đã tạo tiền lệ để các thế hệ lãnh đạo thành phố sau này làm theo.
Khép lại một chặng đường gần 9 năm trong giải quyết biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa cũng là lúc mở ra một tiền lệ mới cho quan chức Thủ đô, khi đã không còn làm nhiệm vụ công cũng là lúc nên giã từ nhà công vụ. Việc trả nhà của ông cựu chủ tịch thành phố liệu đã là người cuối cùng, hay còn ai nữa?