Ông Hoàng Văn Nghiên phải đồng thuận mới thành

Việc tìm một căn nhà tương xứng với căn biệt thự này để bố trí cho ông Nghiên về ở không hề đơn giản. Ảnh: Hồng Vĩnh
Việc tìm một căn nhà tương xứng với căn biệt thự này để bố trí cho ông Nghiên về ở không hề đơn giản. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trả lời Tiền Phong, ông Hoàng Tú, Trưởng ban 61 CP (Sở Xây dựng Hà Nội), nơi tham mưu giải quyết việc bố trí nhà ở mới cho ông Hoàng Văn Nghiên, cho biết: “Phương án gì đi nữa cũng phải được UBND TP phê duyệt và được ông Nghiên đồng thuận thì mới xong”.

> Luật pháp bất vị thân
> Vụ thu hồi biệt thự công: 'Làm sao chúng tôi động được'
> Chưa thu hồi được biệt thự ông Hoàng Văn Nghiên

Việc tìm một căn nhà tương xứng với căn biệt thự này để bố trí cho ông Nghiên về ở không hề đơn giản. Ảnh: Hồng Vĩnh
Việc tìm một căn nhà tương xứng với căn biệt thự này để bố trí cho ông Nghiên về ở không hề đơn giản. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Thưa ông, vì sao 5 năm qua vẫn chưa giải quyết xong việc bố trí nơi ở mới cho ông Hoàng Văn Nghiên?

Từ năm 2006, UBND TP đã có thông báo 225 với nội dung không bán biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa (phường Hàng Bài) và nhà 52 Tuệ Tĩnh (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Phan Văn Vượng thuê-PV) theo Nghị định 61.

Thời điểm đó, UBND TP giao cho Sở Tài nguyên & Môi trường bố trí nơi ở mới thay thế cho ông Nghiên, nhưng rồi loay hoay mãi. Nhà thì có thể có nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của ông Nghiên. Có nhà thì bé quá, nhà chưa đáp ứng vị trí. Chúng tôi đã cố gắng, nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Nhưng từ năm 2007, cơ quan chức năng của Hà Nội đã thông tin với báo chí về việc đã thanh lý hợp đồng thuê nhà với ông Nghiên?

Không có chuyện đó. Bởi vì, thanh lý hợp đồng thì phải bố trí được nhà mới cho ông ấy thuê chứ. Trước ông Nghiên thuê thì giờ vẫn thuê thôi, chỉ có điều không được bán biệt thự đó. Trừ phi, bây giờ thành phố có một yêu cầu đặc biệt nào đó, buộc phải giải phóng mặt bằng thì mới không được thuê nữa.

Chính sách cho cán bộ công nhân viên thuê nhà cho phép khi nhà cũ người ta đang thuê (trước ngày 27-11-1992 trong Quyết định 118) được dùng vào việc khác, thì nhà nước phải bố trí chỗ khác để người ta thuê. Bất kể đó là nhà gì, người ta đều được mua theo Nghị định 61/CP.

Điều này được gọi là kết nối hợp đồng. Trường hợp như ông Hoàng Văn Nghiên chuyển từ Tập thể Bách khoa sang biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa được coi như một quá trình liên tục.

Nhưng biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa không được phép bán?

Nhà này đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo là không bán thông qua Thông báo 225 năm 2006. Tuy nhiên, chừng nào chưa sắp xếp được nơi ở mới, ông Nghiên vẫn được thuê biệt thự đó. Cũng như mọi công dân có quyền có chỗ ở. Nhà nước thu hồi một nơi nào đó phải sắp xếp nơi ở mới cho người ta.

Thưa ông, tính từ Thông báo thu hồi biệt thự năm 2006 đến nay đã 5 năm. Tiến độ có bị chậm quá không, thưa ông?

Cái này tôi nghĩ cũng tuỳ trường hợp thôi. Điều này giống như giải phóng mặt bằng để giãn mật độ trong khu phố cổ chẳng hạn, đâu phải dễ. Về mặt chính sách chủ trương thì đúng, nhưng nó liên quan đến cả đời sống sinh hoạt của chính người đang ở trong ngôi nhà đang thuê đó. Cho nên khó nói nhanh hay chậm được. Trừ trường hợp cần giải phóng mặt bằng cho công trình an ninh quốc phòng.

Năm năm qua, ngoài thông báo 225, UBND TP Hà Nội có ý kiến gì về việc này không?

Cũng có các văn bản đốc thúc.

Thế ông Hoàng Văn Nghiên bày tỏ ý kiến ra sao, thưa ông?

Cái này quá thẩm quyền của tôi. Bởi vì, tôi không có điều kiện tiếp xúc với ông ấy.

Hướng xử lý cụ thể việc này hiện nay thế nào, thưa ông?

Vẫn theo hướng phải tìm được căn hộ phù hợp để bố trí cho ông Nghiên. Trước đây, chúng tôi có đề xuất một số phương án, nhưng vẫn chưa được sự đồng thuận. Ví dụ, bố trí cho ông Nghiên đến thuê một căn hộ dạng biệt thự mới xây có diện tích tương đương.

Ở căn nhà mới, nếu ông Nghiên đồng ý thì lại được mua theo Nghị định 61 bằng đúng diện tích cũ (diện tích căn hộ ông Nghiên thuê ở Bách Khoa-PV), phần chênh lệnh phải mua theo giá khác (theo Luật Đất đai).

Không lẽ năm năm qua, cơ quan chức năng không tìm nổi căn nhà nào khiến ông Nghiên ưng ý?

Cũng đã có vài phương án, nhưng quỹ nhà biệt thự trong phố bí lắm, còn nhà mới ở khu đô thị bố trí cho ông cũng băn khoăn, mặc dù có thể nó rộng. Bố trí trong 4 quận nội thành khó lắm.

Chúng tôi ở góc độ tình cảm với người có công như ông Nghiên cũng muốn dùng quỹ nhà có căn hộ tương đương. Phương án gì đi nữa cũng phải được UBND TP phê duyệt và được ông Nghiên đồng thuận thì mới thành.

Cám ơn ông.

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo UBND TP Hà Nội, cho biết: “Trong trường hợp này chúng tôi cũng rất khó xử, vì xét về công trạng, anh Hoàng Văn Nghiên làm chủ tịch đến 10 năm, có công lớn với Thủ đô, nên nếu chỉ căn cứ theo pháp luật thì cũng khó. Việc bố trí nơi ở mới cho anh Nghiên ở đâu, vị trí nào, thành phố đang cố gắng để giải quyết. Chúng tôi sẽ trao đổi với gia đình để đạt được sự đồng thuận”.

 
 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.