Đây là kênh YouTube dành cho trẻ em có tên “Toy Planet”, trong đó 2 YouTuber chủ kênh có biệt danh là “Anh tóc xanh” và “Anh bốn mắt” thường hóa thân thành nhân vật trong chính những tình huống mà thường ngày trẻ gặp phải khi đi học hay ở nhà.
Tuy nhiên, trong loạt clip thuộc series “Lớp học nhí nhố”, kênh này đăng tải nhiều video có nhan đề khiến trẻ hiểu lầm như: “Ăn xương rồng trừng trị sao đỏ Xanh lanh chanh“, “Ăn Ipad trong lớp troll “Xanh lanh chanh” xấu tính tráo quả”, “Làm giả bột giặt từ sữa bột”, "Uống nước rửa bát”, “Ăn xà bông, uống sữa tắm”…
Đặc biệt, trong đoạn video có tên “Làm giả xà bông từ socola troll “Xanh lanh chanh” hay ghen tị”, hai YouTuber của kênh đã hướng dẫn làm giả xà bông và sữa tắm bằng sữa và chocolate trắng. Sau đó, nhân vật này đã ăn xà bông và sữa tắm (được làm từ sữa và chocolate) trước mặt bạn mình, trong khi nhân vật còn lại ăn xà bông và sữa tắm thật.
Ngay lập tức, nhiều người lên tiếng chỉ trích kênh này vì họ cho rằng những video như ở trên rất dễ khiến trẻ nhỏ học và làm theo, gây nguy hiểm hại sức khoẻ.
Trên mạng xã hội hay bên dưới các video của kênh, nhiều người bình luận “toàn ý tưởng bẩn”, “Con hay cháu nhỏ của chúng ta đâu phải lúc nào chúng ta cũng theo sát được, nhỡ bọn nó học và làm theo cái kênh này thì hậu quả không thể tưởng tượng được”,…
Thậm chí, nhiều người còn kêu gọi cộng đồng mạng cùng chung tay để report kênh này.
Trước những ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng, hai nhân vật chính của kênh có biệt danh là “Anh tóc xanh” và “Anh bốn mắt” đã đăng tải một clip mang tính trần tình về sự việc. Trong đó hai nhân vật này lên tiếng xin lỗi vì làm cho mọi người phải lo lắng và tranh cãi vì những clip của mình. “Tôi rất hiểu và đồng cảm với tâm lí của các bậc phụ huynh, đó là lo lắng có cơ sở chính đáng.
Tuy nhiên, có thể nhiều người vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của các video trên kênh của tôi, cụ thể các video đều hướng đến các bạn nhỏ trên 13 tuổi, tức là khoảng lớp 7 trở lên. Do đó tôi nghĩ lứa tuổi này sẽ có đủ nhận thức để hiểu được nội dung để không bắt chước theo những tiêu đề hay hình ảnh trong video.
Những video đang bị mọi người lên án, nếu mọi người bỏ một chút thời gian để xem các video đó từ đầu sẽ thấy là nó không chỉ tập trung vào việc ăn đồ ăn hay đồ dùng học tập đâu mà nó kể về một câu chuyện dài, về những bạn nhỏ có tính xấu trong lớp hay bắt nạt, học phá bạn bè rồi chịu sự trừng phạt.
Theo đó một bạn khác đã làm đồ vật để trừng phạt bằng đồ có thể ăn được để đánh lừa bạn kia, khiến cho bạn ấy muốn ăn và ăn nhầm. Do đó khi xem hết câu chuyện, mọi người sẽ thấy là thực sự các video không có một chút gì khuyến khích trong đó cả bởi biểu cảm của nhân vật ăn nhầm đó đều thể hiện là nguy hiểm và không ăn được”.
Tuy nhiên, lời giải thích này của 2 YouTuber không thuyết phục được dư luận bởi họ cho rằng đây chỉ là lời biện hộ vì trước đó kênh này không hề giới hạn độ tuổi xem clip.
Những năm gần đây, YouTube dần trở thành nơi ẩn chứa nhiều mối nguy hại đối với trẻ nhỏ nếu người lớn không kiểm soát được nội dung con em mình thường xuyên theo dõi. Điển hình là sự việc bé trai gần 8 tuổi ở huyện Nhà Bè, TP.HCM nhập viện trong tình trạng hôn mê vì làm theo trò thắt cổ nhưng vẫn thở được trên YouTube vào cuối tháng 11 năm 2019.
Hay hồi tháng 3 năm 2019, cộng đồng phụ huynh tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới cũng từng tỏ ra lo lắng khi cho rằng YouTube xuất hiện nhiều video có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát, điển hình thử thách Momo (Momo challenge).
Mặc dù những năm qua, YouTube liên tục đầu tư cả về con người lẫn công nghệ như sử dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm duyệt nội dung video trên nền tảng của mình nhưng những đầu tư này dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi bởi minh chứng là vẫn xuất hiện nhiều kênh YouTube có nội dung không tích cực như đã nói ở trên.