Mấy ngày nay, thấy con trai 8 tuổi (học sinh lớp 3 một trường tiểu học tại TPHCM) thường xuyên tập ăn ớt, có những lúc bé ăn cay đến nỗi lưỡi rộp, môi sưng phồng, nước mắt nước mũi tèm lem nhưng vẫn cố ăn thêm. Thấy vậy, chị Nguyễn Thị Mai (quận Tân Phú) hỏi con mới hay cậu bé đang tập ăn để chinh phục “Thử thách ăn ớt cay” trên mạng. “Con nói nó phải ăn đạt được số lượng ớt quy định để chinh phục bản thân. Nó bảo các bạn nó đều tham gia các thử thách trên mạng xã hội, YouTube… để trở nên mạnh mẽ hơn” - người mẹ trẻ cho hay.
Thực tế, khi vào YouTube gõ dòng chữ “thử thách” sẽ có rất nhiều video, clip thử thách điên rồ như “thử thách 24h làm heo”, “thử thách 24h làm chó”, “thử thách 24h sống trong quan tài”, “thử thách ăn ớt cay”, “thử thách đi trên keo dính”… Nhiều bạn trẻ bất chấp nguy hiểm đã thực hiện các thử thách đó rồi quay clip lại, tung lên mạng thu hút hàng chục ngàn người vào xem, bình luận.
Mới đây nhất, “thử thách Momo” (quái vật Momo) gây lo lắng cho nhiều phụ huynh vì nó hướng dẫn trẻ em thực hiện các cấp độ thử thách bản thân, cuối cùng là ép trẻ tự tử. Nhân vật Momo có giọng nói ghê rợn được chèn vào đoạn phim hoạt hình trẻ yêu thích để yêu cầu các nhân vật tự sát. Hình ảnh tiêu cực này chỉ xuất hiện vài giây nên các bậc phụ huynh rất khó phát hiện. Không ít bà mẹ tại nhiều quốc gia cũng lên tiếng cảnh báo sau khi phát hiện con mình nghe theo Momo, thực hiện hàng loạt thử thách điên rồ như cạo trọc đầu, cầm dao tự cứa vào tay, vào cổ.
Ngoài Momo, thử thách Cá voi xanh (Blue Whale Challenge) một thời gian cũng làm phụ huynh bất an khi khá nhiều người trẻ đã làm theo thách thức và cuối cùng là tự kết liễu bản thân. Tại TPHCM, nhiều học sinh biết rõ về những trò này, nhiều em còn cho hay mình đã từng chơi thử. Trào lưu Cá voi xanh được che đậy dưới dạng ứng dụng game trên mạng nên ít người để ý đến. Bên cạnh đó, các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube… cũng tràn ngập clip mời gọi tham gia trào lưu chết người này. Đỗ Thị Vy (học sinh lớp 9, huyện Hóc Môn) tâm sự: “Em đã từng thử tải các ứng dụng này về chơi. Họ nói đúng tâm sự mình lắm, đó là những bất ổn tâm lý mà mình muốn giải tỏa. Lúc đó em chưa biết tác hại của trò chơi này, có những bước em thấy vô lý nhưng vì tính hiếu thắng, muốn trở thành người giỏi nhất nên em tiếp tục hoàn thành những thử thách…”.
Trước đó, mạng xã hội Việt xôn xao về những clip có nội dung phản cảm nhắm đến đối tượng trẻ em. Trong đó, diễn viên sẽ hóa trang thành các nhân vật hoạt hình quen thuộc như người nhện (Spiderman), nữ hoàng băng giá (Elsa)... nhưng lại thực hiện những hành động mang tính chất bạo lực, máu me thậm chí còn có nhiều phân cảnh gợi dục, hôn hít… Xem những đoạn clip này, đến cả người trưởng thành cũng cảm thấy đỏ mặt, đối với trẻ em lại càng nguy hiểm bởi chúng có thể bắt chước làm theo.
Bảo vệ con cách nào?
Khi phát hiện Thử thách Momo, nhiều phụ huynh cho biết đã xóa YouTube khỏi điện thoại, Tivi cũng như những thiết bị thông minh khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, việc làm này không khác nào như muối bỏ bể, bởi thế giới mạng đầy rẫy những nguy cơ, mà nếu không có sự quản lý của cha mẹ, trẻ rất dễ trở thành “mồi ngon”.
Ths tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Công ty TNHH Chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn cho rằng, bên cạnh việc hướng dẫn con sử dụng các công cụ để truy cập internet, phụ huynh đừng quên nói cho con biết những nguy cơ con gặp phải khi lên mạng và cách đề phòng. Thay vì cấm con vào trang này trang nọ khiến con tò mò, hãy cho con danh sách các trang web, các trò chơi lành mạnh. “Việc giới hạn thời gian cho mỗi lần truy cập là rất cần thiết. Với trẻ, không nên quá một tiếng đồng hồ cho một ngày. Việc làm này cần được thiết lập và duy trì từ nhỏ để tạo thói quen cho con. Sau giờ lướt net, phụ huynh nên dành vài phút để hỏi con đã học được gì sau những phút lên mạng để một lần nữa điều chỉnh lại những thông tin mà trẻ đã tiếp nhận khi lên mạng” - ông Duy nói.
Theo các chuyên gia, khi thấy con có biểu hiện lo lắng, sợ hãi, cha mẹ cần giải thích cho con hiểu đó chỉ là những thông tin, hình ảnh ảo, không có thực. Anh Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena chia sẻ: “Có thể dùng công nghệ để giám sát như cài phần mềm để lọc thông tin, cảnh báo và hạn chế trẻ vào xem. Cho các con sử dụng máy tính ở nơi công khai để cha mẹ có thể quan sát trực tiếp; kết nối máy của trẻ với máy của cha mẹ để biết con đang truy cập gì… Từ những bằng chứng có được, phụ huynh lựa lời khuyên nhủ, giải thích cho con hiểu để trẻ dần nhận ra và bỏ hẳn”.
Theo BS CKII Lâm Hiểu Minh, đơn vị tâm lý lâm sàng BV Đại học Y dược TPHCM, khoảng 30% bệnh nhân đến điều trị tâm lý đều là người trẻ. Trong đó, có những nhóm rủ nhau tự rạch tay, chụp hình khoe trên mạng xã hội. BS Minh cho biết, lứa tuổi này có đặc tính bắt chước, muốn khẳng định mình. Cha mẹ có con đến độ tuổi này cần phải quan tâm, lắng nghe, nói chuyện, tâm sự cùng con… Phụ huynh quá bận rộn, thậm chí không có thời gian dành cho con, là một trong những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn khiến trẻ dễ bị kẻ xấu lôi kéo. “Bệnh này cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng tự sát. Khi thấy con có những dấu hiệu không bình thường, hay thẫn thờ, nói chuyện một mình, có khi lại nhắc đến cái chết thì cha mẹ phải đưa ngay đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc chuyên viên tâm lý tâm thần, phải được điều trị bằng thuốc men và nhiều biện pháp khác” - BS Minh tư vấn.
Ngoài Momo, thử thách Cá voi xanh (Blue Whale Challenge) một thời gian cũng làm phụ huynh bất an khi khá nhiều người trẻ đã làm theo thách thức và cuối cùng là tự kết liễu bản thân. Tại TPHCM, nhiều học sinh biết rõ về những trò này, nhiều em còn cho hay mình đã từng chơi thử.