Phát biểu tại Washington sau hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/8, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi, hoan nghênh Mỹ tham gia vào khu vực và bày tỏ hy vọng quan hệ hai nước sẽ trở nên gần gũi hơn dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với Indonesia sẽ mang lại giá trị gia tăng đáng kể cho sự tham gia của Mỹ vào khu vực”, bà Marsudi nói tại cuộc họp báo chung. Ngoại trưởng Indonesia nói rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đang trải dài trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, an ninh và y tế cộng đồng.
Mỹ tuần này thông báo sẽ viện trợ thêm 30 triệu USD giúp Indonesia mua bình ôxy, thiết bị y tế và đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, Reuters đưa tin. Indonesia đối phó với đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng từ tháng 7, ghi nhận hơn 3,5 triệu ca mắc và 100.000 người tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu tấn công.
Chuyến thăm của bà Retno tới Washington diễn ra cùng thời điểm hai nước triển khai đợt tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay. Ngày 4/8, Tham mưu trưởng quân đội Indonesia, tướng Andika Perkasa, và Tư lệnh lục quân Thái Bình Dương của Mỹ Charles Flynn bày tỏ hy vọng đợt tập trận chung này sẽ tăng cường năng lực quân đội và quan hệ song phương.
Đợt tập trận lần này tập trung vào các kỹ năng bảo vệ đảo, diễn ra trên các đảo Sumatra, Kalimantan và Sulawesi từ ngày 1-14/8. Hơn 2.100 quân nhân Indonesia và 1.500 binh lính Mỹ tham gia hoạt động thuộc chương trình tập trận mang tên “Lá chắn Garuda”, được tổ chức từ năm 2009.
Cân bằng
Đợt tập trận diễn ra trong bối cảnh Washington nỗ lực củng cố và tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á, thông qua hàng loạt chuyến thăm của các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Giới quan sát cho rằng đợt tập trận “Lá chắn Garuda” có quy mô lớn cho thấy Mỹ và Indonesia đang đầu tư sâu vào việc tăng cường quan hệ song phương. “Qua các năm, số người tham gia sự kiện tăng lên. Điều tôi chú ý là sự kiện năm nay diễn ra với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, vào thời điểm đại dịch COVID-19 gây ra rất nhiều trở ngại và rủi ro cho những hoạt động như thế này”, Natalie Sambhi, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Viện Verve ở Úc, nói với SCMP.
Nhà phân tích này cho rằng chuyến thăm của bà Retno cho thấy Jakarta và Washington đang nỗ lực tăng cường quan hệ song phương trên cả những lĩnh vực khác ngoài quốc phòng.
“Đây là một phần trong nỗ lực tổng thể của Indonesia nhằm thúc đẩy quan hệ với chính quyền Biden, nhất là vào thời điểm Indonesia thực sự cần hỗ trợ trên mặt trận y tế”, bà Sambhi nói.
Các quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, khi quan hệ đầy mâu thuẫn giữa hai siêu cường đang gây lo lắng về khả năng các quốc gia nhỏ buộc phải chọn phe.
Dù có quan hệ an ninh chặt chẽ với Mỹ, Indonesia khẳng định rõ ràng rằng chính sách đối ngoại của họ dựa trên lợi ích quốc gia và sẽ tiếp tục theo đuổi quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Indonesia trong năm 2020. Indonesia phụ thuộc rất nhiều vào vắc-xin Trung Quốc khi triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia để đối phó với đại dịch COVID-19.
“Bắc Kinh sẽ kỳ vọng Jakarta duy trì cân bằng. Nhưng nếu quan hệ Mỹ - Indonesia bắt đầu có thêm những hình thức hợp tác an ninh mới, Trung Quốc có thể tự hỏi liệu họ có cần lo lắng về thay đổi trong quan điểm không liên kết của Indonesia hay không”, ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng của hãng tư vấn Rand (Mỹ), nói.
Indonesia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng ngày càng quan tâm đến vấn đề này. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, theo Reuters.